Xem MV "Tiếng hát từ cột mốc 3 biên" của Lê Nhung:
Chọn đường đi khó
Á quân Sao Mai 2017 dòng Thính phòng Lê Nhung vừa cho ra mắt bộ sản phẩm âm nhạc đầu tay với tên gọi Tình rừng gồm 3 MV: Tình rừng (nhạc Đức Trịnh, thơ Lê Cảnh Nhạc, phối khí Đức Tân), Tự tình sông Mã (sáng tác Xuân Thủy, phối khí Đỗ Bảo), Tiếng hát từ cột mốc 3 biên (nhạc Tuấn Anh - thơ Phạm Vân Anh, phối khí Minh Hiếu). Không chỉ là một dấu mốc quan trọng của Lê Nhung trong sự nghiệp, sản phẩm âm nhạc này còn cho thấy sự quyết liệt, liều lĩnh của Lê Nhung trong cuộc sống.
Khi quyết định làm bộ sản phẩm âm nhạc đầu tay, Lê Nhung không chọn những bài hát đã quen thuộc mà hát các ca khúc mới. Nữ ca sĩ nói, cô biết việc hát lại những ca khúc đã đi vào lòng người sẽ dễ dàng được khán giả đón nhận hơn, nhưng cô lại muốn chọn một hướng đi mới để thể hiện hết khả năng của mình. “Tôi muốn khám phá bản thân, muốn tìm dòng khán giả cho riêng mình chứ không đi theo lối mòn cũ”, cô nói.
Không ít người ngạc nhiên khi lần đầu tiên ra mắt sản phẩm nghệ thuật mà Lê Nhung “tung” hẳn 3 MV cùng lúc. Nữ ca sĩ thú nhận, ban đầu cô chỉ định thực hiện 1 MV đánh dấu sự nghiệp của mình trong lực lượng biên phòng sau 1 năm giành ngôi Á quân Sao Mai thôi, nhưng khi cô hỏi ý kiến lãnh đạo bộ đội biên phòng – nơi cô đang công tác – thì thủ trưởng kêu là “sao làm ít thế” và động viên cô khai phá thêm đề tài biên giới này. Vậy là cô liều mình thực hiện luôn 3 MV cùng lúc.
Việc thực hiện cùng lúc 3 MV bình thường đã rất vất vả, tốn kém, với sản phẩm của Lê Nhung thì sự vất vả, tốn kém đó còn nhân lên gấp nhiều lần bởi đề tài cô chọn gắn với vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Nếu quay ở thành phố hay vùng lân cận, nghệ sĩ sẽ có nhiều sự hỗ trợ của thiết bị và máy móc, nhưng khi ghi hình ở vùng biên giới, điều kiện sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Có một kỷ niệm khi ghi hình MV Tiếng hát từ cột mốc 3 biên tại Bờ Y, Kon Tum mà Lê Nhung nhớ mãi. Thời điểm ghi hình là tháng 3, thời tiết Tây Nguyên rất khắc nghiệt. Lê Nhung và ê kíp phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp ghi lại khoảnh khắc những tia nắng đầu tiên chạm vào cột mốc biên giới. Đến trưa thì trời nắng chang chang, nữ ca sĩ vẫn phải diễn xuất trên đồi tròn không bóng mát. “Thú thực là tôi thấy mình không chịu được nhiệt, cảm thấy kiệt sức”, cô chia sẻ.
Chưa hết, khi quay cảnh buôn làng Tây Nguyên trong đêm hội, dù đã dặn dò kỹ lưỡng từ trước, nhưng đến giờ ghi hình thì thanh niên trai tráng trong làng đã… say rượu hết, không có người đánh cồng chiêng. “Tôi muốn phải là hình ảnh của những người Tây Nguyên thực sự chứ không hóa trang. Nhưng dân làng khi được nhờ ghi hình vui quá nên uống say, không dậy nổi. Đặt máy từ 7 giờ tối, cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của già làng, đến 11 rưỡi khuya ê kíp mới ghi lại được những hình ảnh ý nghĩa cho MV.
Vất vả là thế, nhưng Lê Nhung hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Là ca sĩ của Đoàn Văn công Biên phòng, cô muốn thực hiện những sản phẩm mang đậm chất biên cương hải đảo. Khác với hình ảnh hào nhoáng, sang trọng của nhiều đồng nghiệp, Lê Nhung đã từng trải qua nhiều chuyến biển diễn ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất của địa đầu Tổ quốc, mang lời ca tiếng hát đến với những chiến sĩ đang canh giữ biên cương, chia sẻ những vất vả mà các anh đang gánh vác…
Mặt khác, Lê Nhung chia sẻ, cô cũng nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của các thủ trưởng và chiến sĩ bộ đội biên phòng. “Nếu không có sự ủng hộ, hậu thuẫn đó, tôi sẽ không thể nào thực hiện được Tình rừng”, nữ ca sĩ nói.
Tiếp nối con đường của NSND Vi Hoa, NSND Thanh Xuân
Là bộ MV về bộ đội biên phòng, nhưng Tình rừng không khô khan như những gì người ta vẫn nghĩ ở những thước phim về người lính mà rất đẹp và giàu chất thơ. Sự mềm mại, chất thơ ấy không chỉ ở giọng hát của Lê Nhung mà còn là ở hình tượng người lính biên phòng can trường, mạnh mẽ nhưng rất gần gũi, rất đời thường. Những hình ảnh tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc, của đại ngàn Tây Nguyên, của con sông Mã mềm mại mà dữ dội như những bức tranh sống động khi kết hợp với giọng hát của Lê Nhung để truyền tải ý tưởng và thông điệp của từng bài hát.
Tình rừng của Lê Nhung đã để lại cho nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha rất nhiều cảm xúc. Nhạc sĩ nói, ông từng là một người lính nên ông càng quý trọng điều Lê Nhung đang theo đuổi hơn bao giờ hết. Tiếng hát của Lê Nhung giúp kết nối vùng biên giới với mọi người dân ở mọi miền Tổ quốc, để mọi người hiểu hơn rằng có những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ, gìn giữ biên cương để mình có cuộc sống bình yên.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Lê Nhung là một nốt lạ giữa thị trường âm nhạc thực dụng. “Lê Nhung khiến những người đang lao theo đồng tiền phải nhìn lại mình: Nếu ca sĩ nào cũng chỉ vì lợi ích cá nhân thì ai sẽ là người kết nối với biên cương tổ quốc bằng giọng hát? Trước đây có NSND Vi Hoa, giờ đây tôi vui mừng vì có Lê Nhung là thế hệ kế cận xứng đáng”, nhạc sĩ nói.
Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng – Chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chia sẻ: “Nghe tiếng hát của Lê Nhung, tôi thấy yêu hơn tiếng nói đất nước mình, yêu hơn quê hương mình. Lê Nhung vào lực lượng biên phòng chưa lâu, nhưng chất biên phòng đã ngấm vào cô với tài năng và nhiệt thành của mình. Tôi tin giọng ca của cô sẽ còn tỏa sáng hơn nữa trong tương lai”.
NSND Thanh Xuân, người thầy đã dìu dắt Lê Nhung cho biết: Lê Nhung không sở hữu một giọng hát thực sự đẹp, nhưng cô lại có một trái tim đầy cảm xúc và sự đam mê, khổ luyện với nghề để rèn được kỹ thuật tốt. Chính sự hòa quyện giữa kỹ thuật và cảm xúc đã khiến Lê Nhung có được giọng hát tình cảm, sâu sắc và đáng yêu.
Điều khiến nữ nghệ sĩ gạo cội này yêu mến Lê Nhung hơn ở Tình rừng là cô đã thể hiện 3 ca khúc rất khó hát nhưng khiến người nghe cảm thấy thấy dễ. “Làm sao để khán giả nghe bài khó mà vẫn thấy dung dị mới là khó, chứ không phải ở những trưng trổ kỹ thuật. Bản thân tôi khi làm việc với Lê Nhung rất ưng ý, vì em thông minh và giọng hát thì không đao to búa lớn mà rất dễ chịu”, NSND Thanh Xuân nói.
Trong khi đó, nhạc sĩ Xuân Thủy – tác giả của Tự tình sông Mã và là Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội – cũng nói: “Tôi gắn bó với bộ đội biên phòng nhiều và rất vui vì Lê Nhung tiếp nối được những người đi trước. Tôi tin Lê Nhung sẽ đảm nhận được vai trò của những người đi trước như NSND Vi Hoa, NSND Thanh Xuân để tiếp tục mang âm nhạc đến với quân và dân”.