Sau phố Trịnh Văn Bô, Hà Nội sẽ có phố Hoàng Thị Minh Hồ?

10/11/2017 - 16:48
Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi cách nay mấy ngày, UBND thành phố Hà Nội có dự định đặt tên cho một phố ở quận Cầu Giấy mang tên cụ ông Trịnh Văn Bô - người đã cùng gia đình hiến hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ Cách mạng lâm thời VN.

Thông tin này được biết đúng vào thời điểm cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ vừa qua đời khiến nhiều người cảm thấy phấn khởi, tự hào vì sắp tới sẽ có một phố ở thủ đô mang tên nhà tư sản yêu nước, một thương nhân nổi tiếng bậc nhất giữa thế kỷ 20, người đã ủng hộ số tiền gần gấp đôi ngân khố Chính phủ lúc bấy giờ.
Ngoài số vàng ủng hộ chính quyền cách mạng, ông bà còn hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, để làm Nhà lưu niệm, ghi dấu tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập đọc tại lễ Quốc khánh 2/9/1945.
Việc xem xét đặt tên phố cũng là hành động bày tỏ sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người có công với Cách mạng, với đất nước, với dân tộc.

images996435_tvbo_orxn2187980236708709474_15_04_43_288.jpgCụ Hoàng Thị Minh Hồ là người sống giản dị, hiền hậu, tiết kiệm
(Trong ảnh: Ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh do gia đình cung cấp)

Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn, với sự đóng góp to lớn của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - phu nhân nhà tư sản Trịnh Văn Bô, một nữ doanh nhân tài đức vẹn toàn - thì cũng rất cần được ghi nhận tương xứng với cụ ông.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PNVN đã trao đổi với ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hà Nội.
Ông Trương Minh Tiến cho biết, theo quy định của thành phố thì những trường hợp được chọn đặt tên phải là người đã mất trước thời điểm xét đặt tên đường, phố ít nhất 10 năm (trừ những trường hợp rất đặc biệt). Vì thế tại thời điểm này mới chỉ xét trường hợp của cụ ông Trịnh Văn Bô (mất năm 1988). Cụ bà vừa mất nên chưa kịp đề xuất.

chuyen-it-biet-ve-vo-thuong-gia-hien-5000-luong-vang-2.jpg
Tấm lòng vàng của cụ Trịnh Văn Bô và cụ Hoàng Thị Minh Hồ được ghi nhận

 

Lý giải về việc tại sao đến thời điểm này, khi cụ ông Trịnh Văn Bô đã mất gần 30 năm UBND thành phố mới trình HĐND thành phố xem xét đặt tên phố mang tên cụ ông Trịnh Văn Bô, ông Trương Minh Tiến cho biết, thành phố dự định đặt tên phố mang tên cụ ông từ năm 2015 nhưng khi lấy ý kiến ở cơ sở thì có nơi địa phương không nhất trí. Năm nay được nhân dân đồng thuận, thủ tục đã xong xuôi thì gia đình không đồng ý với phương án do UBND thành phố đề xuất. Như vậy năm nay sẽ không kịp trình HĐND thành phố về phương án đặt tên phố mang tên cụ ông Trịnh Văn Bô.

14-1510201329662.jpg
Tuyến phố do UBND thành phố đề xuất mang tên cụ Trịnh Văn Bô tại quận Cầu Giấy

 

Ông Trương Minh Tiến cũng cho rằng cả cụ ông Trịnh Văn Bô và cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đều rất xứng đáng được đặt tên phố ở thủ đô. Tuy nhiên, chưa có tiền lệ một phố mang tên cùng lúc hai người, vì thế có thể có một tuyến phố được chia làm 2, mỗi nửa mang tên một người.

Về những việc này, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, tìm giải pháp phù hợp. Nếu được sự đồng thuận cao của gia đình, người dân trên tuyến phố và các cơ quan, ban ngành chức năng thì thành phố sẽ triển khai kịp thời đối với việc đặt tên phố của cả hai cụ.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ vừa qua đời đêm 5/11, thọ 104 tuổi, tại nhà riêng số 34 Hoàng Diệu. Tang lễ của cụ Minh Hồ sẽ được cử hành theo nghi thức cấp cao vào trưa ngày 14/11 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau đó, cụ được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.


Phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô do UBND thành phố đề xuất là đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng. Con phố này dài 1,2 km, rộng 7,5 m.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm