pnvnonline@phunuvietnam.vn
Siết chặt hoạt động quảng cáo “trá hình” trên mạng xã hội
Giả danh cơ quan truyền thông bằng cách cắt ghép hình ảnh để quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội Ảnh: ANTĐ
Tuy xác định lĩnh vực quảng cáo là nội dung quan trọng trong hoạt động thanh tra, song Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) thừa nhận tình trạng này trong thực tế vẫn chưa giảm. Theo đó, có trường hợp quảng cáo "sạch" bị gắn vào các trang web, video có nội dung xấu, chủ yếu là tình trạng quảng cáo của các thương hiệu Việt Nam bị gắn trong các video clip có nội dung xấu trên Youtube.
Trong khi đó, quảng cáo "bẩn" (quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp như: sản phẩm tính chất kích dục, không phù hợp thuần phong mỹ tục, các thực phẩm chức năng, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, quảng cáo quá tính năng thực tế,...) được gắn trên báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó là các hình thức quảng cáo trá hình trên các mạng xã hội; quảng cáo xuyên biên giới không tuân thủ pháp luật Việt Nam phát tán nhiều trên không gian mạng.
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) đã rất bức xúc khi nói về vấn đề này. Theo bà Mẫn, với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện nay nhiều tổ chức và cá nhân đã thông qua môi trường mạng để quảng cáo hàng hóa và các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ thẩm mỹ, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, đồ trang sức, mỹ phẩm..., rất khó kiểm soát, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. "Bộ trưởng Bộ TT&TT cần tham mưu cho Chính phủ trong phối hợp với các bộ, ngành chức năng về các giải pháp liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng", bà Mẫn kiến nghị.
Gỡ quảng cáo xấu, chặn dòng tiền
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi nói về giải pháp đối với quảng cáo trá hình trên mạng xã hội đã khẳng định, cơ quan này có một số giải pháp liên quan đến việc rà soát, phát hiện và gỡ các quảng cáo xấu xuống, đồng thời xử lý người sản xuất hàng giả, xử lý doanh nghiệp hạ tầng cung cấp dịch vụ quảng cáo, tuyên truyền để người mua cần phải thận trọng. Bên cạnh đó, theo ông Hùng, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về biện pháp kinh tế ngăn chặn dòng tiền quảng cáo sai sự thật. Bộ TT&TT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Người bán hàng hoặc người mua quảng cáo trên Facebook phải trả qua thẻ tín dụng, cho nên ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền này.
"Khi thấy các hành vi vi phạm, chúng ta chặn được các dòng tiền xấu này tức là chúng ta cũng chặn được các quảng cáo sai sự thật. Đánh thuế các nhà thầu đối với các mạng là một việc cần phải làm. Khi đánh thuế, chúng ta phải xác định các giao dịch của họ. Khi xác định giao dịch, chúng ta còn biết được giao dịch nào đúng pháp luật, giao dịch nào sai pháp luật", Bộ trưởng Bộ TT&TT cho hay.
Về các biện pháp lâu dài, theo người đứng đầu Bộ TT&TT, cơ quan này đã đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, yêu cầu gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm, các nội dung vi phạm pháp luật, đồng thời có văn bản cảnh báo các đại lý quảng cáo, doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo bị gắn trên video xấu độc trên Youtube. Cùng với đó là tăng cường công tác phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng trong nước có hành vi vi phạm; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Bộ Công an để có giải pháp kinh tế, kỹ thuật xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam.
Theo luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital (Đoàn Luật sư TPHCM), pháp luật về quảng cáo vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế dù hoạt động quảng cáo chịu điều chỉnh của nhiều văn bản luật như: Luật Quảng cáo năm 2012 và Luật Quảng cáo (sửa đổi) năm 2018; Luật Thương mại năm 2005; Luật Cạnh tranh năm 2018... Nhiều quy định vẫn mang tính chung chung, tình trạng quảng cáo trên internet tự phát, tràn lan, khó kiểm soát và chưa có biện pháp ngăn chặn. "Chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động quảng cáo; tăng trách nhiệm của cơ quan truyền thông đại chúng trong việc đưa những sản phẩm quảng cáo qua phương tiện truyền thông đại chúng và internet, mạng xã hội; bổ sung quy định các nội dung quảng cáo lồng ghép vào các bộ phim hay chương trình truyền hình", luật sư Lê Văn Lên đề xuất.