pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người tiêu dùng tức phát khóc vì tin theo quảng cáo như "rót mật vào tai" trên mạng xã hội
Ảnh minh họa
Thương mại điện tử, mua sắm thời 4.0, mua sắm trực tuyến... là những cụm từ đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, đặc biệt là chị em phụ nữ. Chỉ cần 1 cú nhấp chuột, dù ở thành thị hay nông thôn, miền núi, dù tại Việt Nam hay đang sinh sống ở một quốc gia nào đó, người mua - người bán cũng dễ dàng kết nối. Tiện lợi, giá mềm, hình thức mua sắm trên mạng là một thói quen hiện diện trong đời sống của nhiều gia đình. Song, cũng từ đây đã xảy ra nhiều hệ lụy đối với người tiêu dùng.
Chuyện thật như đùa
Chị Nguyễn My (khu đô thị Văn Quán, Q.Đống Đa, Hà Nội) quan tâm đến một chiếc máy chụp ảnh lấy ngay trên fanpage bán hàng có tên gọi Mạnh Quân Camera Thái Hà. Chiếc máy được giới thiệu là của thương hiệu Fujifilm Instax Mini, có tính năng: "Phần mặt trước của máy nổi bật với ống kính, đèn flash và nút chụp. Khác với các loại máy ảnh khác, với Instax, bạn được cầm trên tay bức ảnh của mình chỉ vài giây sau khi nhấn nút chụp".
Những thông tin người bán đưa ra thu hút chị Nguyễn My đặt hàng ngay, với giá siêu khuyến mãi 380.000 đồng. Háo hức chờ đợi từng ngày để nhận hàng, đến lúc mở hộp máy ảnh được giao đến nhà, chị My "ngã ngửa": đúng là như một trò đùa, vì bên ngoài là hộp đựng của máy ảnh Fujifilm Instax Mini thật nhưng bên trong, đó là một chiếc máy ảnh đồ chơi trẻ em. Hình thức, mẫu mã hoàn toàn khác với loại chị My đặt hàng và in trên hộp đựng của sản phẩm.
Đặt hàng một đằng, sản phẩm giao đến một nẻo là hiện trạng nhiều chị em gặp phải khi trót nghe theo quảng cáo, mua hàng online. Chị Trần Thúy Hằng (TP Vũng Tàu) đặt hàng chiếc đầm dạ hội của một bạn chuyên bán đồ xuất dư tại TPHCM. Dù cẩn thận yêu cầu người bán chụp hình ảnh thật của sản phẩm nhưng chị Hằng không khỏi thất vọng khi nhận hàng. Chất liệu, kiểu dáng, màu sắc của chiếc đầm quảng cáo hoàn toàn khác hẳn. "Mặc đầm lên người mà nhìn bèo nhèo, thua cả hàng second-hand", chị Hằng thở dài.
Đó là những vật dụng, mặt hàng không ưng ý thì cũng không mấy ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng thực tế, có trường hợp chị em đã phải tiền mất, tật mang khi mua và sử dụng các loại mỹ phẩm được quảng cáo là "nữ thần chăm sóc sắc đẹp". Trường hợp của N.T.H., cô gái Long An, 21 tuổi, là một ví dụ.
Nghe theo lời quảng cáo mặt nạ Đông y chứa tới 50 loại thảo dược thuốc Bắc lành tính, không gây kích ứng da, bôi lên da sẽ giúp da trắng sáng, hồng hào, cô đã mua một liệu trình với giá hơn 600.000 đồng về sử dụng. Mới chỉ đắp mặt nạ đến lần thứ 2, mặt cô đã bị sưng phù, nổi mụn mủ và bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM chẩn đoán cô bị viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính.
Rủi ro không chỉ đến từ đồ dùng, mỹ phẩm mà ngay khi đặt đồ ăn, thức uống trên mạng, người tiêu dùng cũng dễ rơi vào tình huống cười ra nước mắt. Đó là trường hợp của chị H.H.Nga (Hà Nội). Chị Nga đặt 2 con cua Cà Mau hấp với giá 450.000 đồng để biếu bố mẹ. Đến khi mẹ chị nhận hàng, 2 con cua nóng hổi, tươi rói như lời giới thiệu của người bán đã bị "hô biến" thành một đống giấy vệ sinh bị xé vụn và một chai phấn rôm trẻ em. "Tiếc của, mẹ mắng mình một trận. Từ đó, mỗi lần mình mua sắm gì, nhất là mua hàng qua mạng, bà lại cằn nhằn", chị Nga cho biết.
Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều tình huống người tiêu dùng gặp phải khi tn theo những lời quảng cáo "rót mật vào tai", đặt mua hàng online trên mạng.
Chiêu trò của chủ shop
Mua hàng qua mạng, không có sự gặp mặt trực tiếp của người bán - người mua. Người mua không được sờ tận tay, xem tận mắt sản phẩm. Mọi giao dịch chỉ thông qua một vài tin nhắn hay cuộc gọi điện thoại. Đây cũng là kẽ hở để những người bán hàng làm ăn gian dối, đánh tráo sản phẩm, giao sản phẩm không đúng như giới thiệu.
Để dụ dỗ, thuyết phục người mua hàng, người bán thường đưa ra những mức giá ưu đãi, khuyến mãi thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Song song đó là sự tư vấn nhiệt tình, thân thiện để lấy lòng tin của người mua. Khi "con mồi" đã cắn câu, người bán sẽ yêu cầu chuyển khoản trước hoặc áp dụng chính sách không được kiểm tra hàng trước. Đến khi thanh toán xong xuôi, nhận hàng, người mua phát hiện ra sản phẩm không giống như quảng cáo, cam kết thì đã muộn.
Nếu shop nào tử tế thì sẽ xin lỗi, hứa hẹn cho đổi trả, nhưng để trả lại hàng là cả một chặng đường gian nan. Cụ thể như trường hợp chiếc đầm của chị Thúy Hằng (TP Vũng Tàu). Người bán 5 lần 7 bảy lượt hứa sẽ cho người đến nhận lại đồ, song chị Hằng chờ cả mấy tháng sau cũng không có ai liên hệ để nhận lại.
Đợi mãi, sốt ruột, chị Hằng nhắn tin cho người bán, họ chỉ xem mà không trả lời. Gọi điện không nghe máy. Chủ shop kiên quyết "im thin thít và lặn mất tăm". Shop bán hàng thì ở TPHCM nên muốn tìm đến tận nơi để trả cũng ngại. Đến bây giờ, sau nửa năm, chiếc đầm có giá triệu bạc của chị Hằng vẫn xếp xó.
Cũng có nhiều shop, sau khi bán hàng xong, họ lẳng lặng chặn số điện thoại, hủy kết bạn, chặn tin nhắn của người mua. Lúc đó, người mua không thể liên lạc được với người bán để phản hồi. Cao tay hơn, người bán ôm tiền bỏ chạy mà người mua thì không nhận được sản phẩm, dịch vụ mình đã đặt. Trường hợp phòng vé Anh Anh (phố Núi Trúc, Hà Nội) mới đây là một ví dụ. Với chiêu bài bán combo du lịch 5 sao giá rẻ, phòng vé đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của khách hàng và chủ phòng vé biến mất.
Gặp phải những tình huống mua hàng qua mạng như vậy, người tiêu dùng đúng là thiệt đơn thiệt kép. Chị Nguyễn My chia sẻ: "Mất tiền mà mua phải hàng kém chất lượng là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy. Nhưng kéo theo đó là những tổn thất khó có thể đong đếm được. Đó là sự bực bội, thất vọng khi mất tiền mà không mua được sản phẩm như mong muốn. Ngoài ra còn mất thời gian để đi giải quyết, đòi quyền lợi với chủ shop. Cái mất lớn hơn là mất uy tín nếu mình là người đứng ra để mua sản phẩm hộ người khác hay mua biếu tặng. Nguy hiểm hơn, những loại hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người mua".
Đứng ở góc độ của người bán hàng, những "con sâu làm rầu nồi canh", quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo đã tạo ra tâm lý hoang mang, e ngại với người tiêu dùng khi đặt mua sản phẩm, dịch vụ qua mạng, ảnh hưởng đến uy tín của những người bán hàng online chân chính.
Dù vậy, mua sắm trực tuyến vẫn đang là xu thế thịnh hành. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, đây là hình thức mua sắm được khuyến khích để hạn chế lây lan dịch bệnh. Ai sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Mời bạn theo dõi bài tiếp theo trên PNVN.
(còn nữa)