Siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng ‘nổ’ công dụng sản phẩm

22/11/2019 - 18:03
"Với các doanh nghiệp quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức nặng, ngoài phạt tiền, chúng tôi còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm, đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết thông tin trên khi trao đổi về việc xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo TS Phong, để quản lý tốt hơn nữa chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dân thi hành Luật An toàn thực phẩm.

Theo đó, tất cả cơ sở sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu các sản phẩm trên đều phải sản xuất ở nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP. Đây là quy định rất chặt chẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm từ ngay nhà máy. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan để dần quản lý chặt chẽ hơn nội dung quảng cáo, tiến tới ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Thực phẩm chức năng KANKA mượn danh nghĩa của bác sĩ để quảng cáo về sản phẩm. Ảnh chụp màn hình trang rên trang mạng http://sinhlynam.shop 21/11/2019

 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn thực phẩm thay cho Nghị định 178 trước đây. Theo đó, mức phạt, hình thức xử phạt đã tăng lên rất nhiều. Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mặc dù tăng mức xử phạt nhưng thực tế vẫn còn nhiều vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, khi xử lý vi phạm về quảng cáo, chúng tôi mời công ty có sản phẩm đang vi phạm quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội lên làm việc. Tuy nhiên, thực tế cũng có trường hợp doanh nghiệp đó không đứng ra quảng cáo, mà những người làm đại lý của họ đứng ra để làm thủ tục quảng cáo.

“Lúc đó, chúng tôi phải công bố trên trang website của Cục An toàn thực phẩm về tên sản phẩm đang vi phạm, địa chỉ trang website đang vi phạm, nội dung vi phạm. Đồng thời thông báo nội dung này đến cơ quan thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm đang quảng cáo tại trang website đó”, TS Phong cho biết.

 

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để bảo vệ người tiêu dùng

 

Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị quản lý các trang website điện tử, thông báo rõ địa chỉ vi phạm, nội dung vi phạm để xử lý theo thẩm quyền. Thực tế, sau khi có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải tháo gỡ và bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cũng có những trang website máy chủ đặt ở nước ngoài, hay trên Facebook. Vì thế, đại diện Cục An toàn thực phẩm đã có buổi làm việc với đại diện Facebook và đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông... Hiện phía Facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm.

“Trong lúc các cơ quan chức năng đang phối hợp để xử lý, người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh... vì đây là những quảng cáo sai sự thật”, TS Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm