Siêu chip giúp người bại liệt gõ tin nhắn văn bản và chơi đàn bằng suy nghĩ

27/11/2018 - 20:17
Các nhà khoa học đã phát minh ra một con chip siêu nhỏ mang tính cách mạng, có thể được cấy ghép vào não cho phép bệnh nhân bại liệt gõ tin nhắn văn bản, thậm chí là chơi piano bằng suy nghĩ, điều mà họ chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm được.

Con chip được gọi là BrainGate đã được chứng minh là có khả năng giúp người bại liệt. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất được công bố vào tuần trước, trên tạp chí khoa học PLOS ONE còn cho thấy, con chip này có thể được kết nối với một máy tính bảng để người bại liệt có thể soạn tin nhắn văn bản, xem dự báo thời tiết, hay thậm chí là chơi đàn piano kỹ thuật số.

 

Siêu chíp cấy não giúp người bại liệt có thể soạn văn bản bằng suy nghĩ.

Được biết, nghiên cứu trên được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Brown, Trung tâm Y tế Cựu chiến binh Providence, Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Đại học Stanford.

3 tình nguyện viên mắc bệnh bại liệt tham gia nghiên cứu được cấy một con chip BrainGate với kích thước chỉ bằng một viên thuốc aspirin vào não để giúp họ sử dụng máy tính bảng.

Con chip này được trang bị 100 điện cực gửi tín hiệu đến máy tính. Máy tính sẽ phát hiện một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như suy nghĩ của người được gắn chíp, sau đó suy nghĩ này sẽ được dịch thành các lệnh rồi thực hiện trên máy tính bảng. Mỗi lệnh đều được gửi đến máy tính bảng thông qua kết nối Bluetooth, hoạt động tương tự như một con chuột không dây.

Máy tính bảng được sử dụng trong nghiên cứu là Google Nexus 9. Nó đã được vô hiệu hóa tất cả các chức năng hỗ trợ.

“Lúc bắt đầu thử nghiệm, một trong những người tham gia nghiên cứu nói với chúng tôi rằng một trong những điều cô ấy thực sự muốn là được chơi nhạc một lần nữa. Bởi vậy thấy cô ấy đánh được những phím đàn điện tử thực sự là một điều tuyệt vời”, tiến sĩ Paul Nuyujukian, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.

Với chip não, trong các ứng dụng văn bản, chẳng hạn như Google Hangouts hay tin nhắn văn bản, người dùng có thể nhập tối đa 30 ký tự/phút.

Tiến sĩ Jaimie Henderson, một tác giả khác của nghiên cứu và là nhà giải phẫu thần kinh tại Đại học Stanford, cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng để phục hồi khả năng của những người bị bại liệt để giúp họ kiểm soát chính xác công nghệ mà họ từng sử dụng trước khi mắc bệnh”.

 

Một người tham gia nghiên cứu còn có thể đánh đàn piano điện tử bằng suy nghĩ.

Trước nghiên cứu trên, 2/3 người tham gia cho biết họ thấy thiết bị này cực kỳ hữu ích.

“Nó cho tôi cảm giác tự nhiên hơn so với những lần tôi hồi tưởng lại việc sử dụng chuột trước đây”, một người tham gia nói.

Một nghiên cứu khác về chíp BrainGate còn chứng minh công nghệ này cho phép một phụ nữ bại liệt có thể uống cà phê chỉ bằng những suy nghĩ của cô.

Cụ thể, một người phụ nữ bị bại liệt vì đột quỵ 15 năm đã cấp con chip này vào não, sau đó kết nối với một cánh tay robot được điều khiển bởi suy nghĩ. Từ đó, cô có thể sử dụng suy nghĩ của mình để điều khiển cánh tay cầm một chai cà phê và đưa nó lên miệng cô, nhấm nháp nó và sau đó lại đặt nó trở lại bàn.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, con chip BrainGate có ý nghĩa rất quan trọng đối với bệnh nhân bại liệt.

“Công nghệ này có tiềm năng lớn trong việc khôi phục lại sự trao đổi đáng tin cậy, nhanh chóng và phong phú cho những người mắc bệnh không thể nói được. Điều đó không chỉ giúp họ tương tác tốt hơn với gia đình và bạn bè, mà còn có thể cung cấp một thêm một kênh mô tả kỹ lưỡng hơn về các vấn đề sức khỏe của họ với người chăm sóc”, Jose Albites Sanabria, một nhà nghiên cứu tham gia nghiên cứu, tiết lộ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm