pnvnonline@phunuvietnam.vn
Siêu thị, cửa hàng sẵn sàng nguồn cung hàng hóa chống bão số 3

Siêu thị, cửa hàng sẵn sàng nguồn cung hàng hóa chống bão số 3
Bão số 3 (bão Wipha) được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh, đang di chuyển nhanh và trực tiếp ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Bộ Công Thương ban hành Công điện 5380/CĐ-BCT về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (Wipha). Trong đó, Sở Công Thương các địa phương được yêu cầu chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để sẵn sàng cung ứng cho người dân ứng phó với bão.
Cụ thể, hệ thống Co.opmart và Co.op Food khu vực phía Bắc tại các địa phương có thể chịu ảnh hưởng của bão Wipha như: Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Ninh đã tăng mức dự trữ hàng hóa thiết yếu lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Trong đó, hàng hóa tập trung vào nhóm gạo, mì ăn liền, trứng, thịt, rau, củ, gia vị, nước uống, sản phẩm vệ sinh và các vật dụng ứng phó khẩn cấp. Các trung tâm phân phối Saigon Co.op trên toàn quốc đã lập kế hoạch vận chuyển, điều tiết nguồn hàng kịp thời cho hệ thống siêu thị Co.opmart và cửa hàng Co.op Food tại khu vực miền Bắc.

Siêu thị, cửa hàng sẵn sàng nguồn cung hàng hóa chống bão số 3
Theo chia sẻ từ đại diện MM Mega Market, hệ thống trung tâm tại khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ đã kích hoạt kế hoạch phòng chống bão lũ, bao gồm: MM Mega Market Hạ Long (Quảng Ninh); MM Mega Market Hồng Bàng (Hải Phòng); MM Mega Market Vinh (Nghệ An); MM Mega Market Thăng Long, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai (Hà Nội); Depot Thanh Hóa; Depot Đồng Hới (Quảng Trị) đã chủ động tăng mức dự trữ hàng hóa thiết yếu lên khoảng 30% - 50% so với thông thường. Các nhóm hàng được tăng cường bao gồm: Lương thực (thịt, cá, trứng); nước uống; sản phẩm vệ sinh cá nhân... Với nhóm hàng rau, củ, quả, MM Mega Market đã làm việc với nhà cung cấp để tăng số lượng lên gấp 1,5 lần so với thường ngày. Nhóm thực phẩm khô, đèn cầy đủ đáp ứng nhu cầu đột biến tăng 2,5 lần, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng cao trong giai đoạn trước và sau bão.
Hiện tại, tất cả các trung tâm siêu thị, mua sắm vẫn đang duy trì hoạt động bình thường. Ngoài đảm bảo nguồn cung hàng hóa, các siêu thị còn đảm bảo vận hành an toàn, gia cố cơ sở vật chất ngoài siêu thị như bãi xe, cửa kho, mái che, trang thiết bị ngoài trời, kiểm tra hệ thống điện, máy phát dự phòng và phương án di chuyển - trưng bày hàng hóa linh hoạt theo điều kiện thời tiết, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trước bão.
Hà Nội triển khai chương trình bình ổn thị trường
Sở Công Thương Hà Nội cũng vừa ban hành Phương án Dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và bảo đảm đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai trên địa bàn thành phố năm 2025.
Với phương châm “hậu cần tại chỗ”, các xã, phường tại Hà Nội chủ động dự trữ hàng thiết yếu, thành phố tổ chức nguồn hàng ứng cứu khẩn cấp, hỗ trợ địa phương trong các tình huống vượt quá khả năng dự trữ.
Sở Công Thương Hà Nội cũng hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng cứu trợ khẩn cấp, đủ phục vụ khoảng 250.000 người trong 7 ngày, bao gồm các loại thực phẩm như đồ khô ăn liền, nước uống, nến, thực phẩm chế biến, sữa, gạo…
Ngoài việc dự trữ hàng hóa phòng, chống lụt bão, thành phố Hà Nội còn có nguồn hàng dự trữ từ chương trình các mặt hàng thiết yếu. Với chương trình này, Sở Công Thương Hà Nội dự kiến triển khai thực hiện bình ổn 13 nhóm hàng bao gồm: Lương thực; thịt lợn; thịt gà, vịt; thủy hải sản tươi, đông lạnh; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm; dầu ăn; rau, củ; trứng gia cầm; sữa trẻ em dưới 6 tuổi; gia vị; đường; bánh, kẹo; rượu, bia, nước giải khát. Thời gian thực hiện chương trình bình ổn thị trường đến hết tháng 5/2026.