Singapore có hệ thống hưu trí ưu việt nhất châu Á

23/10/2019 - 21:36
Theo Báo cáo Chỉ số Lương hưu Toàn cầu năm 2019 của Melbourne Mercer (MMGPI), Singapore là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong top 10 nơi có hệ thống hưu trí tốt nhất thế giới. Luật Nghỉ hưu và Tái làm việc cho phép những người cao tuổi có thể tiếp tục làm việc sau nghỉ hưu và có cơ hội làm việc và tăng tiết kiệm hưu trí của mình.
Singapore đứng thứ 7 trong tổng số 37 hệ thống hưu trí được xếp hạng trên toàn cầu

 

Singapore là quốc gia châu Á duy nhất được nhận mức xếp hạng B và đạt được 70,8 điểm theo các chỉ số nói chung, tăng nhẹ so với con số 70,4 điểm năm 2018. Singapore đứng thứ 7 trong tổng số 37 hệ thống hưu trí được xếp hạng trên toàn cầu. Đánh giá của MMGPI dựa trên các chỉ số về tính đầy đủ, tính bền vững và tính toàn diện.
Singapore đạt được những kết quả vượt bậc thông qua nguồn quỹ tiết kiệm trung ương (CPF) là nhờ vào quá trình “cung cấp linh hoạt cho các thành viên”.
 
CPF được thành lập năm 1995 nhằm cung cấp sự bảo đảm về tài chính cho công nhân khi họ nghỉ hưu hoặc không thể tiếp tục làm việc. Trải qua thời gian, quỹ đã trở thành một hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) - tiết kiệm toàn diện với sự tham gia của người lao động, chủ sử dụng lao động và chính phủ. Thành viên của CPF bao gồm cả người lao động được tuyển dụng và lao động tự tạo việc làm tại Singapore.
Mục tiêu căn bản của CPF là đáp ứng những nhu cầu tối thiểu cho các thành viên như chỗ ở tạm thời, thức ăn, quần áo và các dịch vụ về sức khỏe khi họ về già hoặc các nhu cầu khác khi họ không còn khả năng làm việc. Các chế độ có thể bao gồm việc rút tiền trong các trường hợp nghỉ hưu, tàn tật vĩnh viễn, sở hữu nhà ở và chăm sóc y tế. Số tiền mà cá thành viên có thể được hưởng thụ phụ thuộc vào mức độ đóng góp vào quỹ của họ.
 
Người già ở Singapore tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu

  

CPF không chỉ cung cấp các chế độ hưu trí, mà còn cung cấp các chế độ về nhà ở và nhu cầu thiết yếu về chăm sóc sức khỏe cho người dân; sự bảo đảm tài chính cho các thành viên và gia đình của họ thông qua các chương trình bảo hiểm.
Chìa khóa để điều hành thành công hệ thống CPF chính là nhờ hệ thống thu năng suất và hiệu quả. Các khoản tiền, trợ cấp phụ cấp bắt buộc phải đóng CPF bao gồm: Tiền thưởng làm việc hiệu quả và đi làm thường xuyên; Tiền thưởng cho nhân viên khi kết thúc năm tài chính; Tiền hoa hồng; Tiền thưởng cho nhân viên dựa trên phần trăm doanh thu đạt được; Phụ cấp phí sinh hoạt; Phụ cấp phí công tác; Phụ cấp thêm tiền học cho con của người lao động; Phụ cấp làm ngoài giờ, làm ban đêm, ngày lễ; Tiền thưởng cho nhân viên dịp lễ; Phụ cấp tiền điện thoại; Phụ cấp cho nhân viên đi du lịch; Phụ cấp tiền ăn…
 
Hệ thống thu giúp CPF thu các khoản đóng góp chính xác và đúng thời hạn, đồng thời gửi các khoản đóng góp CPF vào các tài khoản cá nhân của các thành viên CPF. Tháng 7/2009, hệ thống thu của CPF đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001:2008.
Hội đồng CPF có khung pháp lý chặt chẽ, nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả quy trình thu. Chính vì thế, đã đảm bảo tỷ lệ nợ đọng của các chủ sử dụng lao động luôn giữ ở mức rất thấp (khoảng 0,51%). Đồng thời, CPF cũng tiến hành các đợt điều tra, khảo sát để phát hiện những doanh nghiệp chậm nộp hoặc nộp không đúng vào quỹ. Việc điều tra sẽ được tiến hành qua đường Bưu điện và trực tiếp đến từng doanh nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tỉ lệ nợ cao.
 
Thủ tướng Lý Hiển Long hỏi thăm một cụ già

  

Trong quá trình xử lý doanh nghiệp vi phạm, CPF luôn khuyến khích các doanh nghiệp tự giác sửa sai và chỉ khởi tố các doanh nghiệp cố tình chây ỳ việc thanh toán nợ. Trong các hình thức điều tra thì điều tra trực tiếp đến các doanh nghiệp được coi là hiệu quả nhất và hay được CPF áp dụng nhất. Ngoài ra, CPF còn liên hệ với các cơ quan khác lấy thông tin về doanh nghiệp để phát hiện việc chậm đóng… Năm 2014, CPF đã thu hồi từ các chủ SDLĐ 378,2 triệu đô la Singapore (tương đương khoảng 280,5 triệu USD) bao gồm đóng thiếu, không đóng và chậm đóng, bảo vệ quyền lợi cho trên 288.000 người lao động.
Ngoài ra, CPF cũng khuyến cáo chủ sử dụng lao động và người lao động thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình thông qua website của CPF để đảm bảo rằng chủ sử dụng lao động thực hiện đúng nghĩa vụ đóng góp cho CPF, đồng thời cung cấp cho người lao động các kênh thông tin thuận tiện như đường dây nóng và địa chỉ thư điện tử để người lao động dễ dàng liên hệ với nhân viên CPF cũng như đảm bảo tính bí mật cho các thông tin được cung cấp.
 
Từ năm 2016, Chính phủ nước này đã triển khai kế hoạch đổi mới hệ thống, bao gồm: cung cấp lượng tiền tối thiểu từ quỹ CPF cho những cá nhân nghèo nhất, linh hoạt hơn trong việc rút tiền hưu trí, tăng mức đóng góp nhất định và đảm bảo lãi suất hằng năm.
 
Người già nghèo khổ được nhận hỗ trợ

  

Tuổi thọ của phụ nữ Singapore tăng từ 83,7 năm 2009 lên 85,1 vào năm nay. Để giúp phụ nữ lớn tuổi đáp ứng tốt hơn nhu cầu nghỉ hưu của họ, chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên quỹ CPF dễ dàng chuyển tiền tiết kiệm CPF cho vợ/chồng họ. Người cao tuổi có ít hoặc không có khoản tiết kiệm cũng có thể nhận được khoản hỗ trợ của chương trình hỗ trợ người già nghèo khổ Silver Support.
Các sáng kiến như Luật Nghỉ hưu và Tái làm việc cho phép những người cao tuổi sẵn sàng và có thể tiếp tục làm việc sau nghỉ hưu có cơ hội làm việc và tăng tiết kiệm hưu trí của mình.
 
Chính phủ Singapore sẽ hoàn tất kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu và tuổi được ký hợp đồng lao động sau nghỉ hưu lên lần lượt là 65 và 70 tuổi trước năm 2030. Kế hoạch sẽ được thực hiện từng bước, ban đầu sẽ là nâng mức tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi hiện nay lên 63 tuổi vào năm 2022. Độ tuổi tái tuyển dụng lao động cũng sẽ được nâng lên tương ứng từ 67 hiện tại tới 68 tuổi vào năm 2022 và cuối cùng sẽ là 70 vào năm 2030. Người lao động sẽ không bị sa thải vì lý do độ tuổi trước khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Những nhà tuyển dụng cũng đồng thời phải tạo cho người lao động những công việc phù hợp trong khoảng thời gian tái tuyển dụng lao động.
 
Singapore có những điều chỉnh đối với Quỹ CPF để người lao động có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn

  

Bên cạnh việc nâng tuổi nghỉ hưu, Singapore sẽ cũng có những điều chỉnh đối với Quỹ CPF để người lao động có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Theo đó, tỷ lệ đóng góp vào quỹ CPF cũng sẽ được nâng lên trong vòng 10 năm tới đối với người lao động trong độ tuổi từ 55 đến 70. Hiện tại, mức đóng góp vào quỹ CPF bắt đầu từ mức 37% khi người lao động đủ 55 tuổi và tỷ lệ đóng góp này giảm dần sau khi họ 60 tuổi và sẽ bằng 0 từ sau 70 tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm