pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sinh viên Nhật khó khăn tài chính, không đủ ăn vì Covid-19
Ở Nhật Bản, chuyện sinh viên vừa học vừa làm là rất phổ biến. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, số lượng việc làm suy giảm, dẫn đến việc sinh viên phải giảm ca, thậm chí mất việc. Ngay cả những sinh viên không bị mất việc thì họ vẫn gặp phải thách thức là có đi làm nhưng lương vẫn chưa được người chủ thuê lao động chi trả do dịch bệnh kéo dài. Tiền bạc bị thâm hụt, chuyện sinh viên rơi vào cảnh thiếu ăn là không thể tránh khỏi.
Đặc biệt ở những thành phố vệ tinh của thủ đô Tokyo, nơi có rất nhiều trường đại học, sinh viên kêu gọi các trường nơi họ học tập sự trợ giúp về thực phẩm trong bối cảnh tài chính của những sinh viên nghèo này đã bị cạn kiệt.
Tháng trước, tại trường Đại học Tokyo Metropolitan ở Hachioji, phía Tây Tokyo, một nhóm giáo viên đã bắt đầu phân phát thực phẩm miễn phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Vào ngày 23/5, trường đã phát gạo, rau và thực phẩm chế biến từ những người ủng hộ và mua bằng tiền quyên góp cho khoảng 150 sinh viên ở 3 địa điểm phân phối xung quanh trường.
Một nữ sinh viên 23 tuổi của khoa Luật của một trường đại học tại Tokyo đề nghị giấu tên đã tiết lộ, thu nhập tháng của cô bị giảm xuống dưới 10.000 yen trong tháng 5, so với mức 50.000 yen khi đại dịch Covid-19 chưa xảy ra. Thu nhập của cô bị giảm sau khi cô bị buộc phải cắt giảm số ngày làm việc part time tại một tòa chung cư, nơi cô làm công việc dọn dẹp.
Nữ sinh viên này chia sẻ: "Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng thu nhập của tôi giảm bởi vì một số cư dân chung cư nói rằng họ không muốn để người ngoài vào để phòng chống dịch bệnh. Tôi không thể nào quay lại làm việc như trước đây, dù tình trạng khẩn cấp đã được dỡ bỏ. Sẽ thật khó khăn nếu tôi không có được các ca làm việc trở lại như trước".
Để hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn về tài chính, nhiều trường đại học ở Nhật đã thực hiện phân phối thực phẩm miễn phí. Theo ông Hiroyuki Nomoto, Giáo sư ngành Khoa học Xã hội tại một trường đại học, cho biết, số lượng sinh viên tìm kiếm thực phẩm quyên góp đã tăng lên, sau mỗi phiên phân phối. Ông Nomoto cho rằng: "Ngay cả khi nơi làm việc bán thời gian hoạt động trở lại, sinh viên cũng không thể nào nhận được tiền lương ngay lập tức. Sẽ có một "độ trễ" nhất định trước khi tình hình kinh tế của sinh viên được phục hồi".
Từ ngày 22/5, một trung tâm tình nguyện được hoạt động bởi Hội đồng phúc lợi xã hội của thành phố Yokohama đã phân phát 10 ngày lương thực (gạo, mì) cho các sinh viên trong thành phố. Trung tâm ban đầu cho biết các mặt hàng thực phẩm được phân phối tới khoảng 100 người, nhưng sau đó, một làn sóng những người nộp đơn xin phát đồ miễn phí đã khiến họ phải mua thêm đồ. Khoảng 150 sinh viên cuối cùng đã nhận được thực phẩm phân phát. Anh Taku Wakabayashi, một nhân viên chịu trách nhiệm công việc phân phát này cho biết, các sinh viên thậm chí mong mỏi được phát lương thực phẩm trong 2-3 ngày tiếp tới, hơn là nhận tiền sẽ được trả trong vài tháng tới".
Đại học Quốc gia Yokohama gần đây cũng cho biết, trường đang chuẩn bị tiến hành phân phát thực phẩm trong khuôn viên trường. Họ đã nhận được hàng trăm đơn đăng ký từ sinh viên, chỉ trong vòng 20 phút sau khi đăng thông tin trên trang web của trường vào hôm 25/5.
Giáo sư Hiromi Kabashima, Phó Chủ tịch trường Đại học Quốc gia Yokohama phát biểu: "Tình hình hiện tại rất khó khăn. Các hoạt động kinh tế mới chỉ tái khởi động, trong khi dòng tiền lợi ích từ chính phủ chưa được phân phối. Chính vì vậy, chúng tôi muốn tiếp tục sáng kiến viện trợ lương thực, trong khi tiếp tục theo dõi tình hình".