pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sợ mang tiếng là người phá vỡ hạnh phúc của con
Ảnh minh họa
Chị Thanh Tâm thân mến!
Con gái tôi 28 tuổi, mới kết hôn được một năm đã chuẩn bị… ra tòa. Vì là chị cả của 3 đứa em nên từ nhỏ con gái tôi đã là đứa hiểu chuyện, biết nghĩ trước sau và rất tốt tính. Giờ điều khiến tôi ân hận nhất là khi xưa đã mai mối để con quen và kết hôn với chồng nó hiện tại.
Hồi đó, cậu ta là đồng nghiệp mới trong công ty của tôi. Tôi thấy cậu ta có vẻ hiền lành, có hình thức, ăn nói gãy gọn và sau khi tìm hiểu thấy gia cảnh cậu ta cũng ổn nên tôi đã tìm cách "ghép đôi" cậu ta với con gái tôi.
Ngay từ đầu, hai đứa nói chuyện cũng có vẻ hợp nhau nên chỉ sau vài tháng quen biết hai bên gia đình đã gặp nhau bàn chuyện cưới hỏi, chẳng gì cũng đều gần 30 tuổi cả rồi. Con gái lớn kết hôn, tôi đã thở phào nhẹ nhõm, những tưởng con sẽ được hạnh phúc, không bao giờ nghĩ cuộc hôn nhân này lại có thể ngắn ngủi đến thế…
Gia đình thông gia với tôi có 3 người con, 2 trai đầu và con gái út. Con rể tôi là trai thứ 2 nhưng theo như con gái tôi kể, mọi việc trong nhà vợ chồng con gái tôi đều phải đứng ra lo liệu vì anh cả… chưa lập gia đình.
Điều đáng nói là vợ chồng con gái tôi đã thuê nhà ở riêng vì nhà chồng không rộng, thêm nữa vẫn còn anh chồng, em chồng chưa lập gia đình nên sống cùng sẽ có nhiều bất tiện. Vậy mà dù ở riêng nhưng tất cả khoản tiền lo giỗ chạp, mừng đám cưới, rồi mua sắm đồ gia dụng mới trong nhà, mẹ chồng đều tìm vợ chồng con gái tôi để hỏi.
Lý do vì khi chưa lấy vợ, toàn bộ lương tháng, con rể tôi đều đưa cho mẹ nên mẹ chồng con nói: "Giờ chồng con không đưa tiền cho mẹ nữa thì khi cần mẹ phải hỏi hai đứa thôi". Con gái tôi tâm sự: "Từ hồi kết hôn đến giờ, con chưa dành dụm được đồng nào. Không chỉ lương của chồng mà cả lương của con cũng lần lượt "nộp" cho mẹ chồng!", "Con buồn lắm mẹ ạ, nếu cứ thế này thì con còn không dám sinh con mất!"…
Tôi khuyên con nên nhẹ nhàng nói chuyện với chồng để chồng có thể hiểu và trao đổi lại với mẹ chồng. Cứ tưởng lời khuyên này của tôi là đúng đắn, ai ngờ lại "châm ngòi" cho một cuộc chiến nảy lửa giữa hai vợ chồng con, cũng như giữa con và mẹ chồng. Bà thông gia nói con gái tôi là không biết điều, kết hôn rồi không lo vun vén cho nhà chồng thì "đem của về cho nhà ngoại à?".
Có thể đây là câu nói trong lúc bà thông gia nóng giận nhưng lại trở thành gai nhọn với con gái tôi, khiến con bé bị tổn thương. Con rể tôi không những không bênh vợ mà vẫn nghe mẹ, nói con gái tôi phải thay đổi cách sống.
Cũng vì chuyện này mà con kể với tôi rất nhiều chuyện khiến con thấy sốc, đó là từ hồi kết hôn, con không dám mua sắm hay tiêu pha gì cho bản thân; ăn uống cũng phải dè sẻn. "Con là người kiếm được tiền, lẽ ra con có thể thoải mái chi tiêu khoản tiền đó. Vậy mà giờ đến chi tiền mình kiếm được con cũng phải đắn đo, tính toán xem làm vậy là đúng hay sai, như vậy có hợp lý không? Con thấy con khổ quá, con không muốn tiếp tục sống thế này nữa đâu mẹ à!"…
Tôi muốn ủng hộ con chia tay để được sống cuộc sống vui vẻ hơn nhưng lại sợ mang tiếng là người phá vỡ hạnh phúc của con. Mong chị một lời khuyên!
Nguyễn Thị Huệ (Long An)
Chị Huệ thân mến!
Có vẻ như con gái chị sẽ rất khó để tìm được tiếng nói chung với chồng và gia đình chồng. Khi cháu đã nói "không muốn tiếp tục sống thế này nữa…" tức là cháu cũng đã phải nghĩ tới chuyện "đường ai nấy đi" rồi.
Chưa nói đến chuyện mẹ chồng, ngay cả con rể chị dường như cũng là người nhu nhược, không có chính kiến nên mới trách vợ trong chuyện này. Không lẽ hai vợ chồng không hề có kế hoạch cho tương lai, không có những khoản tiền tiết kiệm để chi cho việc mua nhà, mua xe, sinh con, cho con đi học…? Là mẹ, chắc chị sẽ hiểu được cảm giác cô đơn của con khi bên cạnh không có người đồng hành đáng tin cậy, phải không chị?
Không người mẹ nào muốn cuộc hôn nhân của con đổ vỡ nhưng nếu chị muốn con gái chị thoát khỏi cuộc sống mệt mỏi, có một tương lai tốt đẹp hơn thì hãy ủng hộ mọi quyết định của con, chị nhé!