Sở Y tế Hòa Bình nói gì trong phiên tòa xét xử vụ án chạy thận?

16/01/2019 - 22:32
Sở Y tế Hòa Bình khẳng định việc thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo là đúng thẩm quyền của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Tuy nhiên, đối với xét nghiệm AAMI, Sở Y tế khẳng định sau sữa chữa thì xét nghiệm này không bắt buộc vì ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.

Liên qua đến vụ án chạy thận làm 9 người chết, trong buổi xét xử chiều ngày 16/1, Đại diện Sở Y tế Hòa Bình có mặt để trả lời một số vấn đề liên quan đến vụ án.

Tại tòa, đại diện Sở Y tế Hòa Bình cho hay, thẩm quyền thành lập Đơn nguyên thận thuộc về Giám đốc BV. Vì vậy, việc thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực là đúng về mặt pháp lý. Do đó, khi một số luật sư dẫn văn bản của Sở Nội vụ, đại diện Sở Y tế cho hay ngành y tế có đặc thù riêng.

“Chúng tôi rà soát Thông tư 41 và thấy BV Đa khoa Hòa Bình thành lập đơn nguyên thận nhân tạo là hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ được giao”, đại diện Sở Y tế Hòa Bình nói.

Đối với việc thanh kiểm tra, mỗi năm Sở Y tế thực hiện 2 lần. Theo kết luận thanh tra của Sở Y tế năm 2014 chỉ ra rằng BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa bố trí đầy đủ vị trí việc làm ở Đơn nguyên thận. Ngoài ra, Sở cũng thanh tra đột xuất khi có những vấn đề phát sinh. Trong đó, có việc thanh tra liên doanh liên kết giữa Công ty Thiên Sơn với BV Đa khoa Hòa Bình. Khi phát hiện vi phạm, Sở đều xử lý và nhắc lại việc đã khắc phục hay chưa ở những lần kiểm tra sau.

Đại diện Sở Y tế Hòa Bình trả lời các câu hỏi tại tòa

Về xét nghiệm AAMI, đại diện Sở Y tế Hòa Bình cho biết, sau sửa chữa thì AAMI là xét nghiệm định kỳ không phải bắt buộc. Bởi không thể đợi kết quả AAMI sau sửa chữa vì thời gian chờ kết quả phải mất 14 ngày, như thế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của BV. Trường hợp BV và Công ty Thiên Sơn có điều khoản xét nghiệm AAMI thì phải thông báo cho bộ phận chạy thận.

Có 3 đơn vị chào thầu

Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Thúy Kiều, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương về gói thầu sửa chữa hệ thống RO số 2, bị cáo Trương Quý Dương cho biết, hợp đồng 315 không phải là thầu chào hàng rộng rãi. Việc làm nhiệm vụ lấy báo giá là của cán bộ kỹ thuật. Việc đánh giá tham mưu cho lãnh đạo BV trong việc đó là phòng Vật tư. Còn phòng Vật tư giao cho ai bị cáo không nắm được.

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Trần Văn Thắng cho biết, đã giao việc này cho bị cáo Trần Văn Sơn (Công ty Thiên Sơn). Tại tòa, Sơn khai đã lấy báo giá cạnh tranh đối với các đơn vị khác. Theo đó, có 3 đơn vị gồm báo giá của Công ty Gia Minh, Công ty Cổng Vàng và báo giá của Công ty Thiên Sơn. Trong báo giá của 3 công ty, chỉ Công ty Thiên Sơn có báo giá về danh mục xét nghiệm AAMI. Sơn khai có biết sự chênh lệch báo giá giữa các đơn vị nhưng không biết nội dung chi tiết vì thời gian xảy ra đã lâu.

Cũng trong buổi chiều nay, bị cáo Hoàng Công Lương đã giữ quyền im lặng lần thứ hai trong ngày. Đáng nói, người hỏi là luật sư Hoàng Ngọc Biên, người đang bào chữa cho Hoàng Công Lương.

Ngày mai, HĐXX tiếp tục làm việc.

AAMI gồm 23 tiêu chuẩn, bao gồm các tiêu chuẩn về hóa lý và vi sinh (định lượng vi khuẩn và nội độc tố).

Đặc điểm của AAMI là tiêu chuẩn rất chặt, rất an toàn cho chạy thận, nhưng hạn chế là nếu làm thường xuyên thì rất tốn kém, nên một số quốc gia yêu cầu tiêu chuẩn hóa lý chỉ làm 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần, còn tiêu chuẩn vi sinh làm mỗi tháng 1 lần hoặc 3 tháng 1 lần, tùy theo điều kiện từng quốc gia.

Người ta sử dụng AAMI với 2 mục đích: Mục đích thứ nhất là đánh giá thiết kế hệ thống RO có đảm bảo sản xuất ra nước RO an toàn hay không. Mục đích thứ hai là sử dụng tiêu chuẩn AAMI để kiểm tra định kỳ, giám sát hoạt động của hệ thống RO để đảm bảo hệ thống được vận hành hiệu quả và phát hiện sớm các hiện tượng suy giảm chất lượng theo thiết kế ban đầu để tiến hành duy tu, bảo trì hoặc sửa chữa. Để đảm bảo an toàn, các tiêu chuẩn của AAMI đều có 2 mức: Mức báo động và mức can thiệp.

Khi các tiêu chuẩn vượt mức báo động nhưng thấp hơn mức can thiệp thì các cơ sở sử dụng hệ thống RO cần có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo hệ thống RO hoạt động hiệu quả như thiết kế ban đầu. Khi các tiêu chuẩn vượt ngưỡng can thiệp, thì hệ thống RO cần được dừng lại để sửa chữa khẩn cấp. Hầu hết các sửa chữa này có thể diễn ra trong vòng 1 ngày, sau đó hệ thống RO có thể đưa vào sử dụng ngay.

Trong khi đó, theo tiêu chuẩn AAMI, các chỉ số về vi sinh cần 5 - 7 ngày cấy cho vi khuẩn mọc, chính vì thế kết quả AAMI thường được trả sau 10 - 14 ngày. Nếu dừng hệ thống RO để đợi kết quả AAMI thì sẽ gây khó khăn cản trở cho đơn vị điều trị lọc máu trong quá trình điều trị các bệnh nhân suy thận.

Để khắc phục hiện tượng này, các hệ thống RO chuẩn được thiết kế với các đặc điểm kỹ thuật giúp người sử dụng có thể duy tu, bảo trì, sửa chữa hệ thống RO một cách an toàn mà không ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho bệnh nhân suy thận ở bệnh viện.

Cụ thể, trước khi duy tu, bảo trì, sửa chữa, cần phải ngắt hệ thống RO khỏi hệ thống cung cấp nước cho bệnh nhân, chạy hệ thống để xả tồn dư hóa chất, khóa van nối hệ thống RO với tank/bồn chứa nước thành phẩm hoặc máy chạy thận (tức là không sử dụng nước RO cho bệnh nhân). Trong quá trình chạy xả bỏ nếu đảm bảo được về áp suất, độ đẫn điện, độ thải bỏ của màng đạt hiệu quả giống như trong khuyến cáo là 90 - 99% thì hệ thống RO được mặc nhiên là an toàn và có thể đưa vào sử dụng, sau khi đã kiểm tra hoá chất tồn dư.

Việc kiểm tra hóa chất tồn dư sau duy tu, bảo trì, sửa chữa là vô cùng quan trọng với nguyên tắc sử dụng hóa chất nào để tiệt trùng thì phải có que thử nhanh của hóa chất đó, thử đến khi nào không còn hóa chất tồn dư thì mới được nối vào với máy chạy thận nhân tạo để chạy an toàn. Tất cả những khâu này chỉ cần làm trong ngày, đảm bảo không có biến động trong quy trình điều trị bệnh nhân.

Với những phân tích trên đây có thể thấy, không ai sử dụng AAMI để làm tiêu chuẩn an toàn sau mỗi lần sửa chữa hệ thống RO vì rất tốn thời gian và làm đảo lộn kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm