pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sóc Trăng: Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Hội viên phụ nữ Sóc Trăng phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng rau xen canh
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, dân tộc Khmer chiếm 30,18% dân số (đông nhất cả nước với trên 360.000 người), dân tộc Hoa trên 62.000 người, chiếm 5,20% dân số và dân tộc khác chiếm 0,03% dân số
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc; lồng ghép việc thực hiện các chính sách dân tộc với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Qua đó, công tác phụ nữ và công tác dân tộc của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Chị Liêu Sà Quy (ngụ phường 9, TP. Sóc Trăng) là gương điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rau màu xen canh, lấy ngắn nuôi dài. Trước đây, gia đình chị Quy thuộc hộ nghèo, cả hai vợ chồng chị đi làm thuê, thu nhập bấp bênh. Sau đó, Hội LHPN phường giới thiệu chị vay vốn đầu tư trồng rau sạch. Chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội phối hợp tổ chức để có thêm nhiều kiến thức hơn, áp dụng mang lại năng suất cao, đạt chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, gia đình chị đã vươn lên thoát hộ nghèo, nhà cửa khang trang hơn và có điều kiện lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn.
Tại xã An Thạnh 2 (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng), chị Quách Thị Phương Loan (53 tuổi, người Khmer) - cũng là một gương phụ nữ điển hình vươn lên làm giàu nhờ nghề chăn nuôi heo và bán tạp hóa. "Giờ đây cuộc sống ổn định, tôi luôn mong sao mình có sức khỏe tốt để có nhiều thời gian làm công tác xã hội, nhất là góp phần giúp chị em dân tộc Khmer thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong học tập, lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng", chị Loan chia sẻ.
Nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số
Bên cạnh những mặt tích cực, theo Tỉnh ủy Sóc Trăng, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số. Để hạn chế và xoá bỏ các rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng cần thiết phải có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang triển khai xây dựng các mô hình phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi, nữ doanh nhân tiêu biểu.
Bà Nguyễn Thị Huệ Chi, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho biết, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xác định việc thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 chính là một nguồn lực rất quan trọng và bền vững để giúp cho Hội triển khai các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn của tỉnh.
Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Trong đó, Hội LHPN huyện Châu Thành đã chỉ đạo thành lập 4 Tổ truyền thông cộng đồng tại 4 ấp (Phú Thành A, Phú Hòa B xã Phú Tâm); ấp Trà canh B (xã Thuận Hòa) và ấp Phước Quới (xã Phú Tân). Mô hình Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập nhằm tập trung thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và cộng đồng, nhất là phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ "định kiến giới" và "khuôn mẫu giới" trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Hội LHPN huyện Mỹ Xuyên cho hay, kế hoạch năm 2023 trong triển khai thực hiện Dự án 8, Hội tập trung xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" với các chỉ tiêu cơ bản phấn đấu hoàn thành như thành lập mới 1 địa chỉ tin cậy cộng đồng; tổ chức 2 cuộc sinh hoạt với 80 người tham dự với nội dung đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em trong phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng thông qua mô hình câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"…
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu, tập trung quyết liệt, phối hợp tốt trong triển khai thực hiện các hoạt động thuộc Dự án 8 tại địa bàn để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số.