pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sơn La: Dấu ấn trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Các thành viên Câu lạc bộ phụ nữ xoài Yên Châu
"Thời gian qua, tôi đã được địa phương tạo điều kiện đi tham quan một số mô hình, nhờ đó đã có thêm kiến thức thực tế để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Từ kinh nghiệm của bản thân, trong nhiệm kỳ tới, tôi mong muốn các cấp Hội tiếp tục tạo điều kiện, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho phụ nữ ở địa phương để họ có thêm kỹ năng, kiến thức phát triển kinh tế. Hội có thể tổ chức để hội viên tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả. Ngoài ra, các cấp Hội cần nghiên cứu, đưa các mô hình phát triển kinh tế mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo".
Chị Nguyễn Thị Bình (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La)
Năm 2013, chị Nguyễn Thị Bình (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La) thành lập Hợp tác xã (HTX) Bình Thuận. Nhận thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu của xã phù hợp với phát triển cây chè, sau khi khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường, với sự hỗ trợ của Hội LHPN địa phương, HTX Bình Thuận đã tập trung thâm canh cây chè, cải tạo giống, áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất chè sạch. Cây chè được sản xuất, chăm sóc theo hướng hữu cơ và đạt chứng nhận VietGAP. Từ năm 2016 đến nay, doanh thu của HTX đạt trung bình 10 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, HTX giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động với mức lương trung bình 5-6 triệu đồng/tháng.
Trong 5 năm qua, ở Sơn La đã có nhiều tập thể, cá nhân thành công trong phát triển kinh tế với sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp. Đơn cử là chị Lường Thị Minh (bản Tra, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, Sơn La), hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp, trồng cây ăn quả trên đất dốc, với thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm. Hay như chị Lữ Thị Thuận, Chủ nhiệm HTX du lịch bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu) cùng 20 hộ làm homestay phục vụ khách du lịch, với tổng thu khoảng 6 tỷ đồng/năm...
"Tôi là chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ "Xoài" Yên Châu với 38 hội viên. CLB của chúng tôi sản xuất nhiều loại trái cây, chủ yếu là xoài theo hướng VietGAP, với sản lượng trên 2.000 tấn/năm. Tuy nhiên, do sản phẩm chưa có thương hiệu nên việc tiêu thụ gặp khó khăn và dễ bị ép giá. Do đó, chúng tôi mong muốn trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội LHPN tỉnh sẽ hỗ trợ chúng tôi xây dựng thương hiệu sản phẩm. Khi sản phẩm có thương hiệu, được chứng nhận sẽ dễ tiêu thụ và giá cao hơn, góp phần nâng cao đời sống hội viên".
Chị Hà Thị Chình (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La)
Bà Bùi Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sơn La, cho biết, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Trong nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội đã triển khai các phong trào thi đua "Sơn La chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016 - 2020; phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", "Phụ nữ làm kinh tế giỏi" và Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp... Nhờ đó, nhiều hội viên đã thoát nghèo, phát triển kinh tế trở thành hộ khá và giàu.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN Sơn La đã:
+ Hỗ trợ thành lập 18 HTX do phụ nữ làm chủ; 679 mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo, cận nghèo tại xã biên giới. Các xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi.
+ Đào tạo nghề cho hơn 9.712 hội viên, phụ nữ.
+ Hỗ trợ xây 124 "Mái ấm tình thương", trị giá hơn 3 tỷ đồng; 2.010 nhà tiêu hợp vệ sinh.
+ Trao tặng 664 suất quà cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 792 triệu đồng.
Theo chương trình, Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Sơn La lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ được tổ chức vào ngày 16/9/2021. Do diễn biến của dịch Covid-19, Đại hội sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Đây là địa phương được chọn tổ chức Đại hội điểm cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Sơn La khoá XII (nhiệm kỳ 2016-2021) trình Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh Sơn La lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2021- 2026), trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Sơn La sẽ tập trung thực hiện 2 khâu đột phá, 3 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, 2 khâu đột phá là:
+Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội; phấn đấu 60% Hội LHPN cấp xã/phường/thị trấn sử dụng kết nối phần mềm để làm việc, xử lý văn bản trên máy tính và điện thoại thông minh.
+ Đồng hành xây dựng chi, tổ phụ nữ các xã biên giới vững mạnh, trong đó chú trọng đến các vùng có đồng bào sinh hoạt tôn giáo.