Sống chật vật với mức giảm trừ gia cảnh "giậm chân tại chỗ" suốt nhiều năm

Hải Yến
23/09/2024 - 14:27
Sống chật vật với mức giảm trừ gia cảnh "giậm chân tại chỗ" suốt nhiều năm

Người dân thắt chặt chi tiêu để trang trải sinh hoạt, nhất là ở các thành phố lớn. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Có hai con nhỏ bước vào năm học mới, chị Nguyễn Thị Vân Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đang “bạc mặt” lo tiền học cho con. “Tôi chỉ nuôi con ở mức cơ bản, ước tính mỗi tháng phải chi 7-10 triệu đồng/bé. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nhiều năm nay cứ giậm chân ở mức 4,4 triệu đồng/người/tháng”, chị Vân Anh nói.
Cử tri nhiều tỉnh kiến nghị sửa đổi

Chị Vân Anh chia sẻ, chỉ tính riêng học phí của 2 con, chị đã phải chi 10 triệu đồng/tháng mặc dù hai con học trường công lập, học phí không tốn như trường tư thục. Cụ thể, con lớn của chị học cấp 2, ngoài học ở trường, hằng tháng, chị phải đóng tiền học thêm tiếng Anh, học phụ đạo theo các thầy cô bộ môn, học năng khiếu… 

Còn con bé tuy mới ở lớp mầm non, song học môn nào thì phải đăng ký và đóng thêm tiền môn ấy như học vẽ, học hát, học kỹ năng sống, học tiếng Anh… Ngoài tiền học hằng tháng, khi sinh sống ở thành phố lớn như Hà Nội, các khoản chi phí sinh hoạt cho hai con như: ăn uống ở nhà, ăn bán trú tại lớp, đi lại, vui chơi, giải trí, lúc đau ốm đi viện… cũng tốn một khoản tương đương tiền học.

Theo chị Vân Anh, với mức chi phí như hiện nay, nhiều bậc cha mẹ không biết phải xoay xở làm sao có thể nuôi con với mức mà cơ quan thuế tính giảm trừ. "Tôi mong Bộ Tài chính nhìn vào thực tế để ghi nhận và có điều chỉnh", chị Vân Anh đề xuất.

Vừa qua, cử tri 6 tỉnh, gồm: Bình Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang và Tây Ninh đã đồng loạt gửi văn bản đến Ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc, đồng thời điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần phù hợp với thực tế, đặc biệt là sau khi tăng lương kể từ ngày 1/7/2024. 

Đây cũng là đề nghị của nhiều địa phương khác như Phú Thọ, Đà Nẵng, TPHCM... từ năm 2022.

Cần điều chỉnh kịp thời

Về phía Bộ Tài chính, Bộ này đã nhiều lần trả lời báo chí cho biết, chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Mới đây, Bộ này cho hay, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định. 

Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện là 11 triệu đồng/tháng, đang cao hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người. Kể từ thời điểm tăng mức giảm trừ gia cảnh gần nhất là năm 2020 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) mới tăng 11,47%.

Trong khi theo quy định, khi CPI biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Sống chật vật với mức giảm trừ gia cảnh
“giậm chân tại chỗ” suốt nhiều năm- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá lạc hậu, nhất là với người phụ thuộc ở các thành phố lớn. 

Vài năm qua, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng và nhiều loại tăng nhanh hơn thu nhập. Chẳng hạn, theo số liệu của Tổng cục thống kê, giáo dục tăng 17%, lương thực tăng 27%, giá xăng tăng 105% so với năm 2020. 

"Gia đình có con nhỏ phải thuê người trông thì riêng khoản tiền này không dưới 5 triệu đồng một tháng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Gia đình có con đi học thì tiền học hiện nay cũng chiếm phần lớn chi tiêu của gia đình. Quốc hội cần xem xét, sửa đổi sớm mà không nên chờ đến năm 2026, tức 2 năm nữa, mới thông qua như dự kiến", bà Thủy nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong rổ hàng hóa tính CPI - tiêu chí dùng để tính mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Tiêu chí biến động CPI tính trên rổ hàng hóa của hơn 750 mặt hàng là bất hợp lý. 

Bởi, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp tới chi tiêu của người dân chỉ khoảng 20 mặt hàng. Tức là, để chờ tính mức trung bình của trên 750 mặt hàng thì sẽ rất lâu CPI mới biến động tới mức 20%, có thể 6-7 năm. 

"Thời gian này là quá dài, không phản ánh kịp thời biến động trong chi tiêu của người dân, các hộ gia đình, gây thiệt thòi cho người dân", đại biểu Thủy nói thêm.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, từ ngày 1/7/2024, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh tăng 30% mức lương cơ sở, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. 

Đại biểu này cho rằng, mức lương cơ sở tăng 30%, ít nhất mức giảm trừ gia cảnh cũng cần điều chỉnh tăng lên 30%. Trong bối cảnh nhiều chi phí sinh hoạt hằng ngày tăng, nhất là ở các thành phố lớn, thực tế cho thấy mức giảm trừ gia cảnh, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc, quá thấp. 

Do vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh cộng thêm 20% để phù hợp với thực tế tiêu dùng, giá cả hàng hóa. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh cần điều chỉnh tăng lên 50% mới hợp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm