pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sống gần thủy điện Hòa Bình, nhiều hộ dân vẫn "khát" điện
Nhiều năm nay, gia đình bà Bùi Thị Nhâm vẫn phải dùng bếp củi để nấu cơm vì không có điện
"Không biết đến bao giờ chúng tôi mới có điện?"
9h sáng một ngày đầu hè, con đường tỉnh 435 nối từ thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đến xã Bình Thanh (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã nóng hầm hập. Ở một nơi nhiều núi đá vôi như huyện Cao Phong, bức xạ nhiệt khiến nền nhiệt ở đây luôn duy trì ở mức cao so với khu vực lân cận.
Hằng ngày, bà Bùi Thị Nhâm (58 tuổi, trú tại xóm Lòn, xã Bình Thanh) vẫn đều đặn đi nhặt củi phục vụ cho việc nấu nướng. Không phải do điều kiện kinh tế gia đình bà Nhâm khó khăn đến mức không mua được cái nồi cơm điện để việc bếp núc đỡ cực hơn mà bởi, có mua về cũng không có điện để dùng.
Vợ chồng bà Nhâm trước đây ở giữa xóm nhưng từ ngày các con lập gia đình, ông bà chuyển đến nơi ở mới cách nơi ở cũ khoảng 2km để tiện việc sản xuất. Nơi ở mới có đất rộng, tiện đường đi, lại gần nguồn nước nhưng lại không có điện. Vài năm trước, khi kinh tế gia đình chưa dư dả, tối đến, gia đình bà Nhâm phải dùng đèn dầu để thắp sáng.
Gần đây, đời sống khá hơn nên vợ chồng bà sắm được tấm pin năng lượng mặt trời treo trên mái nhà. Thế nhưng, vì nguồn điện từ năng lượng mặt trời yếu và không ổn định nên gia đình bà Nhâm chỉ sử dụng điện cho việc thắp sáng, không thể sử dụng vào việc khác.
"Mùa hè, trời nắng nhiều, điện thắp sáng có thể dùng thoải mái nhưng mùa đông hoặc những ngày không có nắng thì nhà tối om", bà Nhâm chia sẻ.
Bà Nhâm có 2 người cháu nội. Nhớ cháu, ông bà muốn thỉnh thoảng đón cháu về nhà chơi. Thế nhưng lũ trẻ nhất quyết không chịu vì "nhà ông bà không có điện, không có quạt mát và ti-vi".
Cầm đôi đũa cả xới nồi cơm đang sôi trên bếp lửa, bà Nhâm tâm sự: "Ở nhà tôi, giường được đặt gần bếp. Mùa đông thì đúng là tiện để sưởi ấm nhưng mùa hè nóng bức không thể ngủ được. Cứ đến mùa hè là tôi phải nấu cơm sớm, đợi khi hơi nóng thoát dần ra ngoài rồi hai vợ chồng mới ăn cơm".
Cách nhà bà Nhâm một con đường là căn nhà khang trang của vợ chồng anh Đinh Văn Huynh (40 tuổi). Bên trong nhà, ngoài chiếc giường, phản và một bóng đèn nhỏ thì không còn đồ đã gì. Theo anh Huynh, vì không có điện nên vợ chồng anh không muốn sắm sửa thứ gì.
Gia đình anh Huynh có 2 con, các cháu đều đang trong tuổi đi học. Vì không có điện nên việc học hành của những đứa trẻ thật gian nan. "Nhiều lúc nhìn các con mồ hôi nhễ nhại ngồi học bài mà tôi thấy thương. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới được hưởng ánh sáng từ điện lưới quốc gia", anh Huynh bộc bạch.
Dự kiến đưa điện đến các hộ dân trong tháng 5 tới
Để đưa điện về nhà, nhiều hộ dân ở sát đường lớn đã gom góp tiền mua đồng hồ, dựng cột gỗ, kéo đường dây dài hơn 1km từ trung tâm xã xuyên đồi về xóm Lòn. Thế nhưng do chất lượng đường dây thấp nên lượng điện năng bị hao hụt đáng kể.
"Cứ đến tầm 18h là điện cực yếu, đèn chỉ sáng mờ mờ, thua cả dùng pin năng lượng mặt trời, đồ điện mua về không cái nào dùng được khiến cuộc sống của chúng tôi rất vất vả", ông Đinh Văn Thạch (61 tuổi), một người dân ở xóm Lòn, cho hay.
Điện yếu, 6 hộ chung nhau kéo đường dây điện về phải dùng dè sẻn nhưng theo ông Thạch, hóa đơn tiền điện hàng tháng đều gần 2,5 triệu đồng, chia đều cho 6 nhà, mỗi tháng tiền điện của một hộ cũng vài trăm nghìn đồng.
Ở xóm Lòn, ông Đinh Văn Phòng (58 tuổi) là người phải thay nhiều ti-vi nhất chỉ vì điện yếu, gây chập cháy ti-vi. Mỗi tháng mất vài trăm nghìn đồng tiền điện nhưng theo ông Phòng, buổi tối, 2 đứa cháu của ông vẫn phải học bài dưới ánh đèn điện tích từ năng lượng mặt trời.
"Từ chỗ chúng tôi ở đi vài bước chân là ra đến đường điện cao thế. Thế mà gần 30 năm nay, chúng tôi vẫn chưa có điện. Không biết đến khi chúng tôi nhắm mắt xuôi tay, điện có về được đến đây không", ông Phòng chua chát nói.
Khi được hỏi về nguyên nhân khiến nhiều năm nay, người dân vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, ông Nguyễn Văn Cự (57 tuổi), một người dân xóm Lòn, cho biết, vào năm 1997, hơn 10 hộ dân trong xóm đã thực hiện chủ trương di dân để hoàn thiện công trình Thủy điện Hòa Bình.
"Tuy nhiên, không hiểu sao trong quá trình khảo sát để hoàn thiện các hạng mục hạ tầng, cơ quan chức năng lại không khảo sát ở khu vực của chúng tôi, dẫn đến việc cột điện chỉ được dựng dọc tuyến đường 435", ông Cự cho biết. Người dân xóm Lòn đã nhiều lần đề xuất lên chính quyền xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Lãnh đạo UBND xã Bình Thanh cho biết, xóm Lòn hiện có 15 hộ dân chưa có điện sinh hoạt, trong đó một số hộ đã tự kéo điện về nhà nhưng điện yếu. Nhận thấy những khó khăn của người dân do không có điện, xã Bình Thanh đã phối hợp với đơn vị điện lực tiến hành khảo sát, chôn cột. Điện lực huyện Cao Phong đã có kế hoạch đưa điện tới các hộ dân trong thời gian tới.
Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện Điện lực huyện Cao Phong cho biết, đơn vị đã triển khai công trình từ đầu năm nay, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 5/2024 để người dân có điện sử dụng.