Sốt xuất huyết giảm mạnh, sởi có nguy cơ bùng phát trên địa bàn Hà Nội

27/07/2018 - 10:44
Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội tăng lên 240 trường hợp, gấp 4 lần tổng số ca năm 2017. Trong khi đó, sốt xuất huyết lại có chiều hướng giảm mạnh. Tuần qua, số ca mắc giảm hơn 96% so với cùng kỳ năm 2017.

Sởi có nguy cơ bùng phát

 Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh sởi đang có nhiều nguy cơ tiềm ẩn tại địa bàn Hà Nội. Chỉ 7 tháng đầu năm, số ca mắc đã gấp 4 lần so với số ca mắc năm 2017.

 

1a5c53591419535e540c056e1aed2c1a.jpg
Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh sởi đang có nhiều nguy cơ tiềm ẩn tại địa bàn Hà Nội. Chỉ 7 tháng đầu năm, số ca mắc đã gấp 4 lần so với số ca mắc năm 2017.

 

Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội mới đây cho biết, bệnh sởi đã xuất hiện ở 139 xã, phường, thị trấn thuộc 29 quận, huyện. Đặc biệt, các quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa… có số ca mắc cao hơn các năm trước.

 Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm thông tin thêm, hiện đối tượng mắc chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết các trường hợp mắc là do không tiêm hoặc chưa được tiêm vaccine đầy đủ nên chưa có đủ miễn dịch.

 Sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng, nên có thể gây dịch lớn. “Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Nếu trẻ nhỏ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi mà chưa được tiêm phòng sởi đầy đủ thì khả năng mắc bệnh rất cao”, ông Cảm cho hay.

 Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, để phòng bệnh, tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất. Hiện nay, các trung tâm y tế đang rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Đặc biệt, đến nay Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng hằng tuần, thay vì hằng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

 Để chủ động phòng chống dịch bệnh sởi, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội giám sát chặt chẽ diễn biến, kịp thời triển khai xử lý ổ dịch. Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành cho nhân viên, đặc biệt là khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân sởi.

 Để phòng lây nhiễm chéo, các bệnh viện cũng phải có phòng khám phân loại riêng ngay tại khu vực phòng khám và có biển chỉ dẫn ngay tại cổng bệnh viện; bố trí khu điều trị cách ly và tổ chức điều trị tốt cho bệnh nhân cũng như bảo đảm chuyển tuyến an toàn với những bệnh nhân quá khả năng điều trị, tránh lây nhiễm trong quá trình vận chuyển bệnh nhân.

 Sởi là căn bệnh nguy hiểm và rất dễ lây lan nếu trẻ mắc bệnh không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tiêm phòng sởi đầy đủ và đúng thời gian để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh là khuyến cáo hàng đầu của các chuyên gia y tế.

 TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng cần tiêm vaccine phòng bệnh sởi – quai bị - rubella để phòng bệnh cho cả mẹ và con trong giai đoạn con chưa đến tuổi tiêm chủng.

 Sốt xuất huyết giảm mạnh

 Trên cả nước, số ca mắc sốt xuất huyết tính đến tháng 7/2017 tăng tới 763% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, Hà Nội là một điểm nóng vì số ca mắc tăng nhanh đột biến và có nhiều biến chứng khó lường.

 Tháng 7/2017, Hà Nội bước vào đợt chống dịch sốt xuất huyết trên diện rộng với số ca mắc tăng đột biến. Ngày 2-7, Hà Nội ghi nhận 3.250 trường hợp mắc SXH nhưng đến ngày 4/8, con số này đã tăng gần gấp ba lần, với 8.982 trường hợp mắc SXH, bốn trường hợp tử vong. Và đến ngày 14/8, Hà Nội ghi nhận 15.300 trường hợp mắc SXH, bảy trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17) số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 7 trường hợp.

 Rút kinh nghiệm của năm 2017, với công tác dự phòng từ rất sớm, và mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp nhưng từ đầu năm đến nay, toàn TP chỉ có 246 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 96,3% so với cùng kỳ năm 2017.

 Tuy nhiên, Sở Y tế tiếp tục cảnh báo đến người dân không được chủ quan với dịch, tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh. Những ngày đầu tháng 7, Hà Nội phải đối mặt với thời tiết bất thường với mưa kéo dài, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

 Bên cạnh công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng để chủ động phòng chống các dịch bệnh có vaccine phòng như sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà. Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập đặc biệt là bệnh do Ebola virus. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm