Stress vì mẹ chồng trái tính trái nết, đay nghiến, chì chiết con dâu

29/07/2019 - 08:58
Giọng mẹ chồng tôi rít lên, đay nghiến: “Gớm, tôi ngày xưa chỉ cơm độn ngô khoai mà các anh các chị có đứa nào bụng ỏng đít beo vì suy dinh dưỡng đâu. Giờ sữa uống tùm tụp cả ngày, nào là hải sản, trứng ngỗng, trứng gà, cá chép…, sơn hào hải vị có thiếu gì đâu mà lo thiếu chất!”

Chiều đi làm về, người mệt nhoài, tôi uể oải xách túi lên phòng, chỉ muốn được nằm ngủ một giấc thật đã. Kể từ ngày có bầu, nay đã ở tháng thứ 5, tôi vẫn không giảm triệu chứng nghén ngủ. Vừa kịp quẳng chiếc túi xuống, tôi nằm vật ra giường, ngủ như thể đã phải thức đêm suốt mấy ngày liền. Tỉnh dậy, mở mắt ra trong ánh đèn lờ mờ, tôi đoán cả nhà đã ăn bữa tối từ lâu.

Đang định ra khỏi giường, tôi nghe có tiếng vọng lên từ phòng khách ở gác lửng: “Anh cứ làm như mỗi vợ anh mang bầu không bằng. Tôi, mẹ anh đây này, ba, bốn bận chửa vượt mặt, đến ngày sinh vẫn phải ra đồng với mẹ chồng. Vợ anh, cũng xuất thân con nhà lao động mà cứ làm như ông hoàng bà chúa chẳng bằng”.

6342.jpg
Mẹ chồng suốt ngày soi mói, "bới lông tìm vết" con dâu. Ảnh minh họa

Tiếng chồng tôi từ tốn, lễ phép, kiềm chế: “Kìa mẹ. Mẹ cũng là phụ nữ, mẹ thông cảm cho vợ con. Người nghén thì tránh làm sao được. Vợ con nhìn to xác thế thôi nhưng yếu lắm mẹ ạ. Hôm trước đi khám định kỳ, bác sĩ cảnh báo, phải chăm sóc sức khỏe cả mẹ lẫn con, nếu không, cháu nội của mẹ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ”. 

Giọng mẹ chồng tôi rít lên, đay nghiến: “Gớm, tôi ngày xưa chỉ cơm độn ngô khoai mà các anh các chị có đứa nào bụng ỏng đít beo vì suy dinh dưỡng đâu. Giờ sữa uống tùm tụp cả ngày, nào là hải sản, trứng ngỗng, trứng  gà, cá chép…, sơn hào hải vị có thiếu gì đâu mà lo thiếu chất! Rõ là… Mà lạ, anh chị “ăn cơm trước kẻng”, sao lúc chưa cưới chẳng thấy kêu nghén nọ, nghén kia; cưới xong về nhà chồng là nay ốm mai mệt, nay lo động thai, mai sợ thiếu dinh dưỡng…”.

 67.jpg

Mỗi lần bị mẹ chồng chì chiết, bao nhiêu tủi hờn cứ dâng lên, ứ nghẹn ở cuống họng nàng dâu. Ảnh minh họa.

Nghe mẹ chồng nói thế, nước mắt tôi trào ra, chỉ trực òa khóc. Bao nhiêu tủi hờn cứ dâng lên, ứ nghẹn ở cuống họng. Tôi vẫn biết, mẹ chồng tôi trước đi làm dâu, bà nội chồng tôi rất khắc nghiệt nên giờ bà trở nên cay nghiệt, soi mói con dâu là tôi. Trước khi cưới nhau, chồng tôi đã kể cho tôi nghe nhiều về mẹ chồng, để mong khi về làm dâu, tôi hiểu tính khí của bà. Nhưng về sống dưới 1 mái nhà, tôi mới nhận ra nhiều điều trái tính, trái nết ở bà.

Buồn bã, tôi sinh trầm cảm. Tôi chẳng muốn về nhà sau giờ tan sở. Tôi luôn có cảm giác nhà chồng là “ngục tù” và người quản giáo là bà mẹ chồng mặt khó đăm đăm, suốt ngày bới lông tìm vết. Nỗi ức chế khó giải tỏa khiến tôi thành ra ghét lây sang chồng. Tôi càm ràm, chì chiết, đay nghiến mỗi khi anh có lỗi. Tôi nhịn ăn để “dọa” anh, vì biết anh rất yêu vợ, thương con. Tôi trở nên khó tính và cục cằn. Đôi khi, tôi cảm thấy… ghét tất thảy mọi người xung quanh.

Tôi thầm nghĩ, sau này, khi mà tôi sinh em bé ra, tôi sẽ “trừng phạt” mẹ chồng bằng cách không cho phép bà nội bế hay gần cháu… Thậm, chí, hơn một lần, tôi nghĩ đến chuyện bỏ nhà chồng, đi thuê nhà riêng ở…

681900.jpg
Ảnh minh họa

Rồi tôi phải nhập viện trong tình trạng suy nhược cơ thể, căng thẳng, ngất xỉu khi đang trong giờ làm việc. Bác sĩ bảo, tại tôi suy nghĩ quá nhiều trong thời gian mang thai dẫn đến stress tâm lý, suy nhược thần kinh, thể trạng yếu…

Ngày ra viện, tôi kiên quyết đòi về nhà đẻ, không ở nhà chồng. Sợ tôi nghĩ quẩn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe 2 mẹ con nên dù mẹ chồng tôi phản đối nhưng chồng tôi vẫn quyết định chấp nhận để tôi về nhà ngoại.

Những ngày tôi ở nhà ngoại dưỡng thai, ngày nào chồng tôi cũng như con thoi qua lại giữa nhà mình – cơ quan – nhà vợ. Thấy chồng đứng về phía mình, tôi lấy làm cao ngạo trong lòng lắm. Mẹ chồng tôi thi thoảng gọi điện hỏi thăm, tôi trả lời nhát gừng nhát tỏi. Chắc sau sự việc vừa rồi, mẹ chồng cũng nghĩ lại, thấy ân hận nên mấy lần mẹ chồng qua thăm, ngỏ ý đón tôi về bên nhà nhưng tôi đều kiếm cớ từ chối. Đôi lúc, bắt gặp chồng suy tư, buồn buồn, tôi cũng chạnh lòng nhưng tôi chưa thể mở lòng để quên đi những lời đay nghiến của mẹ chồng.

Ở tháng thứ 8, tôi cạn ối phải mổ cấp cứu giữa đêm. Không may, cũng đúng thời gian đó, bà ngoại tôi bị tai biến, mẹ tôi phải dành thời gian chăm sóc bà, việc chăm sóc mẹ con tôi ở viện phải trông cậy cả vào bên nhà chồng.

me-chong-tuong-lai-1.jpg
 "Đôi lúc, bắt gặp chồng suy tư, buồn buồn, tôi cũng chạnh lòng nhưng tôi chưa thể mở lòng để quên đi những lời đay nghiến của mẹ chồng". Ảnh minh họa.

3 ngày tôi nằm viện, mẹ chồng là người chăm sóc tôi hàng ngày. Biết tôi đang giận bà nên bà nói rất ít, chỉ lặng lẽ chăm sóc mẹ con tôi.

Buổi trưa, tôi đang thiêm thiếp ngủ, chợt giật mình nghe có tiếng thì thầm ở phía cuối giường: “Bà thương thằng tó con lắm. Bà có lỗi với thằng tó con, chắc tại bà khắt khe với mẹ con nên thằng tó con đòi ra sớm đây mà. Bà rút kinh nghiệm rồi, bà sẽ thay đổi. Bà yêu tó con. Tó con sắp được về nhà rồi, nhưng không biết mẹ con có chịu về với bà không….”.

Nước mắt tôi cay xè. Tôi nghĩ đến một ngày kia, rồi tôi cũng sẽ làm mẹ chồng như mẹ… 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm