pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm - Bài 1: Hiểu đúng về quy định xác thực tài khoản
Ảnh minh họa
Ngăn chặn vi phạm trên không gian mạng
Là người thường xuyên vào mạng xã hội (MXH), chị Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội) luôn bị ám ảnh bởi các vụ lừa đảo trực tuyến.
"Không thể phủ nhận lợi ích của MXH mang lại nhưng đây cũng là môi trường có nhiều cạm bẫy. Là người dùng MXH lâu năm nhưng tôi vẫn luôn đề cao cảnh giác bởi nhiều lúc chỉ cần "click" vào một đường dẫn lạ là có thể mất luôn tài khoản, bị lộ thông tin cá nhân", chị Linh chia sẻ.
Không chỉ lo cho bản thân, chị Linh cũng có cảm giác bất an cho đứa con trai đang học THPT. Con trẻ thuộc nhóm đối tượng tiếp xúc nhanh, nhạy cảm với môi trường mạng xã hội nhưng cũng dễ bị tổn thương trên không gian mạng nên chị Linh lúc nào cũng dặn con hết sức thận trọng khi tham gia môi trường mạng.
Chị Linh cho biết: "Trẻ tiếp cận thông tin theo chiều tích cực và tiêu cực từ MXH nhưng bản thân lại chưa đủ năng lực và kinh nghiệm để nhận diện hành vi tốt hay xấu. Nếu không biết chọn lọc thông tin, con có thể trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt, nói xấu, kích động trên không gian mạng. Gần đây, nhiều nhóm thanh thiếu niên tụ tập gây rối sau khi có sự kêu gọi, cổ vũ trên MXH là một ví dụ".
Những lo lắng của chị Linh được vơi bớt phần nào khi Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (sau đây gọi tắt là Nghị định 147) ra đời, thay thế cho Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP.
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2024, Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng đối với dịch vụ, tài nguyên Internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng…
Tại điểm e khoản 3 Điều 23 của Nghị định này quy định bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động nhằm đảm bảo chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong 1 tháng từ 100.000 lượt trở lên sẽ phải chịu một số trách nhiệm.
Cụ thể, các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người dùng mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Quy định về xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại được nhiều người ủng hộ bởi việc này có thể giảm thiểu lượng tài khoản ảo trên các nền tảng, từ đó hạn chế những bình luận tiêu cực hoặc đăng tải thông tin không chính xác.
Đây cũng sẽ là giải pháp giúp ngăn chặn vi phạm trên không gian mạng. Ngoài ra, việc xác minh bằng số điện thoại cũng khiến các nhà sáng tạo nội dung, quảng cáo, bán hàng livestream có trách nhiệm hơn với nội dung mình chia sẻ đến cộng đồng.
"Hầu hết người dùng mạng xã hội hiện nay đều sử dụng trên điện thoại di động nên việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động sẽ tiện dụng hơn cho người dùng. Hơn nữa, con tôi mới 16 tuổi nên khi sử dụng mạng xã hội, cha mẹ phải đăng ký bằng thông tin của mình và giám sát, quản lý nội dung con trẻ đăng tải.
Với bản thân tôi, quy định mới cũng khiến tôi thận trọng hơn trong việc bình luận, chia sẻ thông tin để đảm bảo mình không vi phạm quy định", chị Linh nói.
Làm sạch không gian mạng
Nghị định 147 cũng nêu rõ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật trong thời hạn tối đa 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền qua văn bản hoặc phương tiện điện tử.
Theo đó, sẽ khóa tạm thời các tài khoản hoặc trang có ít nhất 5 lần vi phạm trong vòng 30 ngày hoặc 10 lần vi phạm trong 90 ngày. Thời gian khóa dao động từ 7 đến 30 ngày, tùy mức độ và số lần vi phạm.
Đồng thời, sẽ khóa vĩnh viễn các tài khoản, trang hoặc kênh nội dung đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đã bị khóa tạm thời 3 lần trở lên. Việc gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn này chỉ được thực hiện sau khi các vi phạm được xử lý theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, Nghị định 147 cũng đặt ra trách nhiệm rõ ràng cho cả người sử dụng internet và các nhà cung cấp dịch vụ. Trong đó, người dùng phải xác thực danh tính và chịu trách nhiệm về nội dung mình đăng tải.
Các tài khoản vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng hoặc pháp luật địa phương sẽ bị gỡ bỏ nội dung hoặc khóa tài khoản với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời, các nền tảng có trách nhiệm sàng lọc, bảo vệ thông tin người dùng và ngăn chặn rò rỉ dữ liệu, đảm bảo lợi ích và sự an toàn của khách hàng.
Ông Nguyễn Đoàn, chuyên gia công nghệ Công ty Cổ phần Công nghệ Tiến Phát, cho rằng, Nghị định 147 quy định việc xác thực bằng số điện thoại cá nhân sẽ góp phần để người dùng nâng cao trách nhiệm và ý thức khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội.
Quy định này cũng sẽ giảm thiểu thông tin sai lệch và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng và trật tự xã hội, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
"Khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của người dùng trên không gian mạng. Người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận vì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì họ công bố trên mạng.
Hiện nay, các tài khoản mạng xã hội ảo, mang tính ẩn danh đã tạo cơ sở để các đối tượng thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân giúp ngăn chặn người giả mạo, lừa đảo và làm trong sạch không gian mạng", chuyên gia Nguyễn Đoàn nói.
Ông Đoàn cũng lưu ý: "Bất kỳ thông tin gì chia sẻ trên mạng xã hội đều có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của mình. Hãy đảm bảo rằng nội dung đăng tải phải chính xác, tránh đăng các thông tin quá cá nhân hoặc nhạy cảm.
Ngoài ra, người dùng cần thận trọng khi nhiều ứng dụng và dịch vụ yêu cầu đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội. Điều này có thể tiện lợi nhưng cũng có thể đặt rủi ro về bảo mật. Mỗi người dùng MXH cần quản lý danh sách bạn bè và người theo dõi.
Theo đó, hãy kiểm soát ai là đối tượng mình kết nối trên mạng xã hội và không cần phải kết bạn với tất cả mọi người. Đặc biệt, hãy cẩn thận với những người lạ, tránh gửi hoặc chia sẻ những bình luận, nội dung xúc phạm, miệt thị hoặc gây rối.
Điều đó có thể khiến bạn bị khóa tài khoản hoặc bị cơ quan chức năng xử lý. Sau cùng, nếu gặp phải hành vi không phù hợp hoặc xúc phạm trên mạng xã hội, đừng ngần ngại báo cáo cho nhà quản lý trang. Điều này có thể giúp bảo vệ không chỉ bản thân mà còn cả người khác trên MXH".