pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tăng thời lượng sử dụng mạng xã hội làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ em gái
Thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội. Ảnh minh họa
Nghiên cứu được thực hiện bởi Sarah Coyne, Phó Giám đốc của trường Đại học Brigham Young (Mỹ) và những cộng sự. Sau quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã chỉ ra, khi lượng thời gian các bé gái dành cho Instagram, Tik Tok và các mạng xã hội khác tăng lên thì nguy cơ tự tử lâu dài ở nhóm này cũng tăng lên. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Youth and Adolescence (Springer).
Thời gian sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng đến nguy cơ tự tử ở trẻ em gái nhưng không tác động nhiều đến các bé trai
Nghiên cứu là nỗ lực kéo dài trong 10 năm từ năm 2009 đến năm 2019 của nhóm nghiên cứu để theo dõi thói quen sử dụng mạng xã hội và nguy cơ tự tử của 500 tình nguyện viên bao gồm cả nam và nữ ở độ tuổi teen, trung bình từ 14 tuổi trở lên. Trưởng nhóm nghiên cứu Sarah Coyne cho biết: "Chúng tôi phát hiện những bé gái có thói quen sử dụng mạng xã hội từ 2-3 giờ mỗi ngày và sau đó mức sử dụng này ngày càng tăng theo thời gian".
Tuy nhiên, không xuất hiện xu hướng gia tăng thời gian sử dụng mạng xã hội đối với các bé trai trong nhóm tình nguyện viên nghiên cứu. Tiến sĩ Coyne cho biết, một trong những nguyên nhân giả thuyết hàng đầu của tình trạng này có thể được giải thích là do những nền tảng mạng xã hội và những cô gái trẻ có cùng một điểm chung: Các mối quan hệ. Trong khi đó, nam giới không có quá nhiều mối quan hệ.
Nguyên nhân của sự khác biệt giữa ảnh hưởng của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên nam và nữ
"Chúng tôi biết rằng các cô gái có xu hướng cảm nhận và nội tâm hóa sự đau khổ trong mối quan hệ ở các mức độ khác nhau so với nam giới", tiến sĩ Coyne cho biết. Trong khi đó, những tâm sự hoặc cảm xúc thường chiếm phần lớn trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, nữ giới thường có mức độ so sánh xã hội cao hơn, tâm lý sợ bỏ lỡ những xu hướng của xã hội và những đặc trưng khác khiến cho mạng xã hội có tác động đến nữ giới lớn hơn nam giới.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra, hầu hết rủi ro tự tử xảy đến đối với những cô gái khi còn là thanh thiếu niên đã dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội, tivi hoặc các trò chơi điện tử. Khi thời gian sử dụng những loại hình trên tăng lên, nguy cơ tự tử của họ tăng cao vào thời điểm đầu đến giữa của độ tuổi 20.
Liệu thời gian sử dụng mạng xã hội nhiều có phải là nguyên nhân duy nhất ảnh hưởng đến nguy cơ tự tử ở trẻ em?
Tuy nhiên, một câu hỏi khác lại được đặt ra về nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên. Liệu rằng chứng trầm cảm có làm cho thanh thiếu niên dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội hơn, từ đó có tác động đến tỷ lệ tự tử ở nhóm tuổi này?
Tiến sĩ Alecia Vogel-Hammen, một nhà nghiên cứu trong khoa Tâm thần học trẻ em và vị thành niên tại Trường Đại học Y Washington (Mỹ) cho biết cần phải nghiên cứu thêm về mặt này. Vogel-Hammen lưu ý rằng, nghiên cứu lần này không xem xét yếu tố trầm cảm thay đổi như thế nào theo thời gian và liệu nó có phải là nguyên nhân khiến thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ em gái độ tuổi thanh thiếu niên tăng lên hay không. Tuy nhiên, tiến sĩ Coyne cho biết, thời gian sử dụng mạng xã hội chỉ là một yếu tố nhỏ ảnh hưởng đến nguy cơ tự tử, bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác như cảm giác cô đơn, bị cô lập hoặc không được quan tâm đầy đủ từ cha mẹ.
Những giải pháp mà cha mẹ có thể thực hiện để làm giảm tác động của mạng xã hội đối với con cái
Bàn về giải pháp mà cha mẹ có thể thực hiện để ngăn chặn tình trạng gia tăng thời gian sử dụng mạng xã hội, tiến sĩ Coyne cho biết: "Nhóm nghiên cứu chúng tôi không khuyên các bậc phụ huynh cắt đứt mọi quyền truy cập mạng xã hội của các bé gái độ tuổi thanh thiếu niên". "Thay vào đó, hãy trì hoãn việc sử dụng mạng xã hội cho đến khi con bạn ít nhất 13 tuổi, và sau đó cho phép sử dụng ở mức độ thấp và chỉ tăng vừa phải theo thời gian".
Ngoài ra, các bậc cha mẹ có thể nói chuyện với con cái về những cảm nhận mà chúng có được khi sử dụng mạng xã hội, từ đó có thể lưu tâm đến cảm giác và nhận thức của con mình. Thêm vào đó, đặt ra những giới hạn về số loại phương tiện mạng xã hội được phép sử dụng và thời gian sử dụng cũng được xem là một biện pháp giúp tránh những tác động xấu. Tiến sĩ Coyne gợi ý có thể đặt ra những giới hạn như hạn chế sử dụng dưới hai giờ mỗi ngày hoặc không sử dụng phương tiện điện tử sau một thời gian nhất định vào ban đêm vì có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ.
Thêm vào đó, trò chuyện cởi mở về những vấn đề an ninh mạng, quấy rối trực tuyến và những vấn đề tế nhị khác là một trong những điều quan trọng cần thực hiện để giảm tác động xấu của mạng xã hội đối với trẻ em.