pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sử dụng thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng ở nam giới
1. Nghiên cứu mới về thực phẩm siêu chế biến và bệnh ung thư đại tràng
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, bệnh ung thư đại tràng là loại ung thư được chẩn đoán nhiều thứ 3 tại nước này.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy có mối liên hệ giữa các loại thực phẩm siêu chế biến với tăng nguy cơ sức khỏe tim mạch, bệnh viêm ruột và tình trạng béo phì, ... Đặc biệt, một số trong đó đã chỉ ra mối tương quan giữa việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến với tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Tạp chí BMJ gần đây đã đăng tải một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Tufts và Đại học Harvard đã bổ sung thêm các dữ liệu mới cho vấn đề này.
Nghiên cứu mới được thực hiện dựa trên dữ liệu của hơn 46000 và 160000 phụ nữ. Những dữ liệu này được trích xuất từ 3 nghiên cứu khác nhau của các chuyên gia sức khỏe Hoa Kỳ. Tất cả người tham gia đều được đánh giá chế độ ăn uống mỗi 4 năm một lần dựa trên bảng câu hỏi về tần suất sử dụng thực phẩm.
Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, nguy cơ mắc ung thư đại tràng ở những người đàn ông sử dụng nhiều thực phẩm siêu chế biến tăng 29% so với những người đàn ông ít sử dụng. Tuy nhiên, mối liên quan tương tự lại chưa được phát hiện ở đối tượng nữ giới.
Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng, nghiên cứu mới còn chỉ ra các nguy cơ sức khỏe khác liên quan đến sử dụng thực phẩm siêu chế biến. Theo đó, thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ tử vong do tim mạch, cũng như tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Đọc thêm:
- Giảm cân tích cực giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng
- Nếu sụt cân nhanh kèm theo dấu hiệu này, cẩn thận ung thư đại tràng
2. Như thế nào là thực phẩm siêu chế biến?
Phần lớn các loại thực phẩm đều được chế biến ở một mức độ nhất định nào đó. Tuy nhiên, các thực phẩm siêu chế biến được xem là những thực phẩm có hại nhiều nhất cho sức khỏe của người sử dụng. Chẳng hạn có thể kể đến như đồ uống có gas, lạp xưởng, bánh quy, mì ăn liền, thức ăn nhẹ đóng gói, sữa trái cây,...
Đặc điểm của các loại thực phẩm này là chứa nhiều đường, chất béo và muối bổ sung. Nhưng trong thành phần của chúng lại chứa rất ít vitamin và chất xơ.
Cơ chế chính dẫn tới mối liên quan giữa sử dụng thực phẩm siêu chế biến và bệnh ung thư đại tràng vẫn chưa được làm rõ. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số giả thiết khác nhau để giải thích cho vấn đề này.
Theo Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Lu Wang đến từ Trường Đại học Tufts, thực phẩm siêu chế biến thường chứa nhiều đường, dầu hoặc chất béo, đường tinh chế. Những chất này gây thay đổi bất lợi hệ vi sinh đường ruột, từ đó gia tăng nguy cơ thừa cân và béo phì. Mà cả hai vấn đề này đều đã được chứng minh là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư đại tràng.
Hơn nữa, các thực phẩm siêu chế biến cũng có chứa rất ít vitamin và các chất có lợi đối với phòng tránh phát triển ung thư đại tràng, ví dụ như như chất xơ, calci và vitamin D,...
Tiến sĩ Wang cho biết thêm, các thực phẩm siêu chế biến không chỉ có giá trị dinh dưỡng kém mà còn chứa nhiều chất phụ gia thực phẩm như chất nhũ hóa hay chất tạo ngọt. Một số chất trong đó có thể thúc đẩy khả năng gây viêm của vi khuẩn đường ruột và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng.
Do đó cô khẳng định rằng, những thực phẩm siêu chế biến như xúc xích, lạp xưởng, thức uống có đường,... có mối quan hệ đặc biệt với tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng. Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy sự cần thiết của các chính sách hạn chế thực phẩm siêu chế biến. Thay vào đó, các loại thực phẩm chưa chế biến hoặc chế biến tối thiểu nên được khuyến khích sử dụng để nâng cao sức khỏe của cộng đồng.
3. Thúc đẩy sử dụng thực phẩm lành mạnh
Theo Tiến sĩ Wang, điều quan trọng là các loại thực phẩm lành mạnh phải được cung cấp với một giá cả phải chăng hơn cho mọi người. Từ đó giúp khuyến khích sử dụng các loại thực phẩm tươi sống, lành mạnh thay cho những thực phẩm siêu chế biến.
Vì vậy, pháp luật quốc gia cần có những quy định về một hình thức thực phẩm tốt cho sức khỏe với mức giá cả hợp lý. Ví dụ như chương trình "sản xuất theo đơn" được sử dụng để cung cấp thực phẩm lành mạnh có giá cả phải chăng đến những đối tượng dễ tổn thương.
Dán nhãn dinh dưỡng bắt buộc trên bao bì cũng là một sự lựa chọn, tương tự như việc dán nhãn calo bắt buộc. Điều này sẽ khuyến khích sự lành mạnh của ngành công nghiệp thực phẩm và các nhà cung cấp thực phẩm.
Đồng thời cô cho rằng, các khoản trợ cấp lớn và hoạt động tiếp thị tích cực bởi các tập đoàn thu lợi từ thực phẩm siêu chế biến chắc chắn sẽ không mang lại lợi ích gì.
Còn theo Giáo sư Carlos A. Monteiro thuộc Trường Đại học Sao Paulo, mọi người đều cần thực phẩm. Tuy nhiên, không ai cần sử dụng thực phẩm siêu chế biến.
Nguồn tham khảo: New Study Links Ultra-Processed Foods to Colorectal Cancer in Men