pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sự quyện hòa giữa thực và hư ảo trong tranh của 2 họa sĩ

"Chuồn chuồn bay thấp" - tranh của Trần Hoàng Sơn
3 thập kỷ trước, họa sĩ Trần Hoàng Sơn và Nguyễn Trung Hiếu cùng học chung trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Không chỉ thân thiết trong cuộc sống, họ còn có sự tương đồng về quan niệm nghệ thuật. Tuy nhiên, mỗi người lại theo đuổi một phong cách hội họa khác nhau.
Từ nhiều năm nay, Trần Hoàng Sơn kiên định trong tình yêu với màu tự nhiên trên giấy dó và lụa. Anh tái hiện trong tác phẩm của mình những gương mặt đầy ưu tư, cỏ cây, hoa lá, chim muông; những ký ức suy tưởng vụn vỡ trong cõi mơ hồ…
Các sáng tác của họa sĩ đang là Trưởng khoa Hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam này được thể hiện thông qua các hình thái cụ thể nhưng mang lại xúc cảm của sự mênh mang, thực hư, hư thực. Hình ảnh quen thuộc như cá, sen, gương mặt người không trạng thái cảm xúc xuất hiện nhiều lần mang lại cảm giác mơ hồ nhưng gợi đến một thế giới khác: Một thế giới trong tâm tưởng được dẫn dắt bởi màu sắc.
Chất liệu màu tự nhiên khi thả lỏng, lúc trầm lắng thấm đẫm bề mặt giấy hoặc lụa, đi cùng những nhịp điệu của cảm xúc lang thang trong thế giới vừa mang dáng dấp của hiện thực, vừa đầy rẫy hư ảo và trống trải. Tất cả như một lời sự tự của Trần Hoàng Sơn: "Chặng đường xa ở phía trước mặt. Người bước đi không biết mệt mà chỉ cảm thấy nó không phải là hiện thực. Từng chặng, từng chặng, không rơi vào đâu cả, không rơi trong mênh mang sông nước biển trời, không rơi vào cỏ cây hoa lá... ướt đẫm sương đêm…".

"Nắng non" - màu tổng hợp trên giấy của Nguyễn Trung Hiếu
Họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu lại có xu hướng trừu tượng rõ rệt, cảm xúc hóa về cơ thể con người. Hầu hết các tác phẩm của anh được vẽ bằng chất liệu tổng hợp trên giấy. Khoảng 5 năm gần đây, anh sáng tác với chất liệu đen trắng theo khuynh hướng hiện thực hư ảo, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Garcia Márquez.
Anh quan niệm, con người bản thân là một dạng không gian. Chính họ, sống trong một không gian khác. Các dạng không gian đôi lúc hòa trộn như không còn ranh giới của Hình - Bóng khiến cho cảm giác không thật diễn ra liên tục trong thế giới hiện hữu.
Tranh của Nguyễn Trung Hiếu tồn tại cảm giác chơi vơi giữa đang hiện ra hoặc đang biến mất. Thân thể của những người phụ nữ như đang xuất hiện nhưng cũng có cảm giác họ đang dần rời bỏ không gian đó để xuất hiện ở một không gian khác. Ở không gian khác đó, có thể chính họ cũng sẽ biến đổi. Họ sẽ khác. Có thể chỉ là "Bóng" của cảm xúc tồn tại le lói…

Từ trái qua: Nhà nghiên cứu nghệ thuật Vũ Huy Thông, họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu, họa sĩ Trần Hoàng Sơn tại triển lãm "Hình - Bóng"
Sau gần 30 năm tốt nghiệp đại học, hai họa sĩ, hai người bạn Trần Hoàng Sơn - Nguyễn Trung Hiếu đã hội ngộ với nhau trong triển lãm Hình - Bóng (đang diễn ra tại Art Space 42 Yết Kiêu, Hà Nội). Dù khác biệt ở cách thức bộc lộ bản thể nhưng khi song đôi trong cùng một triển lãm, gần 40 tác phẩm của hai họa sĩ lại có sự ăn nhập về cảm thức "Hình - Bóng", quyện hòa giữa thực và hư ảo.
Theo họa sĩ Lê Anh Vân, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hai họa sĩ với những bức tranh vừa chung vừa riêng này khi kết hợp trong một triển lãm tạo ra cảm hứng thú vị cho người xem. Trong đó, ông thán phục Trần Hoàng Sơn ở tài sử dụng điêu luyện màu tự nhiên trên giấy dó và lụa, đồng thời đánh giá cao Nguyễn Trung Hiếu ở bút lực tài tình trong việc sử dụng phương pháp ẩn hiện. "Đại học Mỹ thuật có những học trò, những tác giả như hai họa sĩ này thật đáng tự hào", họa sĩ Lê Anh Vân nói.