Sửa đổi Luật Báo chí 2016 để phù hợp với "thời đại kỷ nguyên số"

Minh Anh
10/06/2023 - 23:27
Sửa đổi Luật Báo chí 2016 để phù hợp với "thời đại kỷ nguyên số"

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu khai mạc Hội thảo

Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 là vấn đề cần thiết để theo kịp sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của khoa học công nghệ, truyền thông số.

Ngày 10/6, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc gia "Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016 - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016" được tổ chức bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), ĐHQGHN phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) - Cục Báo chí, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo Vietnamnet và Trường Đại học Luật Hà Nội.

Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 để phù hợp với "thời kỳ kỷ nguyên số" - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo

Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hành làng pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của Nhân dân được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí…

Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thực hiện, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đối mặt với nhiều thách thức từ truyền thông số, mạng xã hội, quy định của Luật Báo chí bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, nhấn mạnh: “Các ý kiến đánh giá của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác nhau tại hội thảo sẽ đưa ra cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan về hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay, qua đó, đề xuất và kiến nghị những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016”.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đi sâu vào các vấn đề: 

Đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 và phân tích thực trạng về công tác quản lý Nhà nước và hoạt động báo chí, những nhóm vấn đề gợi mở cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.

Phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn thách thức trong việc thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam (Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến 2030…) và cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí.

Trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 để phù hợp với "thời kỳ kỷ nguyên số" - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, các ý kiến, đóng góp sẽ là thông tin hữu ích cho Bộ Tư pháp trong quá trình tham mưu, thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 2016, cũng như đề xuất đưa Dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ TT&TT cập nhật và theo sát các văn bản, nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác báo chí để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng.

Một số ý kiến, đóng góp sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 tại hội thảo:

TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, cho rằng, nhiều nội dung trong Luật Báo chí hiện nay còn chưa được làm rõ, chưa phù hợp với bối cảnh hiện đại. Cụ thể, khái niệm về Báo chí và Truyền thông; phóng viên không có thẻ nhà báo, hoạt động tác nghiệp thì có được coi là nhà báo không? Có cần phân loại giữa "thẻ nhà báo" và "thẻ phóng viên"?; xử lý các vi phạm báo chí: cần gỡ bỏ hết thông tin sai lệch…

Đại diện Cục Báo chí, đóng góp ý kiến, mỗi một cơ quan Báo chí có bản sắc riêng, tôn chỉ mục đích, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản (theo quy định điều 17 Luật Báo chí 2016). Song, vấn đề lớn đặt ra, trong việc tuyên truyền sự kiện lớn của cả nước, đối ngoại, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhiều tờ báo thắc mắc có được tuyên truyền hay không? Do vậy, để phục vụ trong hoạt động báo chí, cần xem xét quy định tỷ lệ các bài viết chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, chủ trương chính sách… những sự kiện nằm ngoài phạm vi tôn chỉ mục đích.

TS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam, nêu ra vấn đề: chưa có quy định về chức năng kinh doanh của báo chí. Vì vậy cần quy định và phân định về chức năng chính của báo chí là chức năng tuyên truyền và kinh doanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm