pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sữa không đảm bảo chất lượng gây hậu quả khó lường với người bệnh tiểu đường, suy thận

ThS.BS Phạm Thị Thanh Huyền (bên phải) tư vấn cho người bệnh
ThS.BS Phạm Thị Thanh Huyền - Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng - cho biết, sữa là nguồn dinh dưỡng tốt, góp phần cung cấp dinh dưỡng cho mọi lứa tuổi kể cả đối với những người đang mắc bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận. Sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng hay không phù hợp với tình trạng bệnh lý có thể gây tác hại nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, sản phẩm sữa hay thực phẩm công bố dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe không chứa thành phần như công bố trên nhãn như quảng cáo cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của những người bệnh.
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng ví dụ như chứa hàm lượng đường cao có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng, gây mất kiểm soát đường huyết, làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh. Nếu sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng, có thể chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng đề kháng insulin gây khó kiểm soát tình hình bệnh tật. Ngoài ra, sữa kém chất lượng còn tiềm ẩn nguy cơ chứa các chất phụ gia, chất tạo ngọt không an toàn hay vượt quá mức cho phép cũng gây ảnh hưởng xấu đến chức năng chuyển hóa của cơ thể.
Với người suy thận, chế độ ăn cần kiểm soát protein, kali, phospho là điều quan trọng để giảm gánh nặng cho thận. Sữa không chuẩn hay sữa không phù hợp với tình trạng bệnh lý có thể có lượng protein, kali, phospho cao khiến thận phải hoạt động quá sức để đào thải. Việc tăng tải protein (đạm) sẽ làm cho tăng ure máu khiến suy thận tiến triển nhanh hơn. Nếu sữa không đảm bảo chất lượng có chứa nhiều kali người bệnh sử dụng, thận không đào thải kịp sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm. Sữa chứa nhiều phospho làm cho người suy thận có nguy cơ bị vôi hóa mạch máu, tổn thương mắt, biến chứng tim mạch. Hậu quả lâu dài của việc sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng ở người bệnh suy thận sẽ làm tiến triển bệnh nặng hơn, khiến thận không thể hồi phục dẫn tới người bệnh phải tiến hành chạy thận nhân tạo và xuất hiện thêm biến chứng (thiếu máu, loãng xương, bệnh tim do thận…).
Với người bệnh mắc bệnh lý mạn tính (đái tháo đường, suy thận…) lựa chọn sai sữa hay sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng không những không làm thuyên giảm bệnh mà có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn, xuất hiện biến chứng bệnh sớm hơn. "Sức khỏe là tài sản vô giá" người tiêu dùng nói chung và người bệnh nói riêng nên lựa chọn sản phẩm một cách thông minh.
Theo đó, cần chọn sữa có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận an toàn đầy đủ. Không nên sử dụng sữa trôi nổi không rõ nguồn gốc. Đọc kỹ nhãn mác trước khi sử dụng. Tùy theo từng tình trạng bệnh lý, nên tham khảo ý kiến các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi chọn loại sữa phù hợp.
Một số lời khuyên chung với người mắc bệnh nền khi sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng:
- Đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm, chú ý đến hàm lượng đường, đạm, chất béo, natri, kali, phospho và các vi chất khác.
- Nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế.
- Cân đối năng lượng từ sữa với các nguồn khác trong khẩu phần để không bị dư năng lượng, đặc biệt đối với người có thừa cân - béo phì.
- Kiểm tra thường xuyên các chỉ số sinh hóa và sức khỏe để có sự điều chỉnh phù hợp về loại sữa và lượng sử dụng.
Sữa chỉ là một thực phẩm trong chế độ ăn đa dạng, lành mạnh quan trọng cho người mắc bệnh nền (như đái tháo đường, suy thận…), giúp hỗ trợ điều trị, tăng cường sức đề kháng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, lựa chọn đúng loại sữa, sản phẩm dinh dưỡng sử dụng hợp lý và theo dõi thường xuyên là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Việc phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh - bác sĩ - dinh dưỡng viên sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích từ sản phẩm sữa, đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.