pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sức khỏe các thai phụ mắc Covid-19 điều trị tại BV Phụ sản Trung ương hiện ra sao?
Thai phụ khám thai tại BV Phụ sản TƯ được phân luồng chặt chẽ
Liên quan đến nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 tại BV Phụ sản TƯ, PGS Trần Danh Cường, Giám đốc BV, cho biết, trong ngày 4/12 và sáng ngày 5/12, BV tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 2 toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà tại tòa BC và các tòa nhà khác để xét nghiệm.
Đến nay, trong số 881 mẫu xét nghiệm, phát hiện thêm 1 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, là bệnh nhân trong khu cách ly. Ca bệnh này đã được Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm chuyển đi theo quy định ngay sau khi có kết quả xét nghiệm. Còn tất cả các trường hợp khác đều âm tính.
Theo PGS. Trần Danh Cường, từ 2 ca chỉ điểm ban đầu có biểu hiện ho, sốt, BV đã xét nghiệm và xác định 25 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó, bao gồm 16 thai phụ, 8 ca là người nhà và 1 nhân viên y tế. Hiện tại, tất cả các trường hợp nhiễm Covid-19 này đã được chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, cơ sở Đông Anh để điều trị. Ngoài ra, BV đang cách ly tại chỗ 83 F1, trong đó có 22 là bệnh nhân, 12 là người nhà bệnh nhân và 49 nhân viên y tế. Toàn bộ số này sức khỏe bình thường, tâm lý ổn định.
Về sức khỏe các thai phụ đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, sáng ngày 5/12, Ban giám đốc BV cho biết, hiện các bệnh nhân đang được theo dõi sát, điều trị Covid-19 song song bệnh lý sản khoa. Đến nay, sức khỏe của tất cả bệnh nhân đều ổn định. Các thai phụ được các bác sĩ theo dõi sát sao.
Theo tìm hiểu của PNVN, trong số 16 thai phụ nhiễm Covid-19, phần lớn đều có bệnh lý. Khi mang thai, nguy cơ sảy thai rất cao, thậm chí có người từng sảy 1-2 lần. Do đó, họ phải nằm lại BV để theo dõi thai dài ngày, thậm chí có trường hợp đã ở lại viện gần 2 tháng.
Một bệnh nhân ở Hà Nội cho biết, chị bị ngộ độc thai nghén rất nặng. Ngay từ tuần thứ 6, chị ăn gì vào cũng bị nôn mửa, thậm chí uống nước lọc cũng bị nôn. Chỉ trong hơn 1 tuần, đã giảm 2kg nên phải đến viện thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được xác định ngộ độc thai nghén nặng. Các bác sĩ đã phải truyền chống nôn, bù nước,… sau 5 ngày thì tình hình sức khỏe đã khá hơn.
"Khi hay tin trong phòng có người nhiễm Covid-19, ai cũng lo, bởi sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, các bác sĩ động viên, hỗ trợ đến nay tinh thần các chị em đều ổn định", bệnh nhân này chia sẻ.
Được biết, phụ nữ có thai là đối tượng nguy cơ cao diễn tiến nặng khi mắc Covid-19 bởi hệ miễn dịch kém. Bên cạnh đó, do vừa mắc bệnh lý sản khoa, vừa nhiễm Covid-19, các sản phụ đa số có tâm lý lo lắng. Vì vậy, các y bác sĩ cũng đặc biệt quan tâm, chú ý đến các thai phụ. "Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao từng diễn biến của người bệnh, chuẩn bị cho các tình huống để xử trí kịp thời", đại diện BV Bệnh Nhiệt đới TƯ thông tin.
Theo PGS. Trần Danh Cường, ngay sau khi phát hiện các ca nhiễm, BV đã tiến hành sàng lọc F1, F2 và cách ly, khử khuẩn. Sau đó, BV đã phong tỏa toàn bộ tòa nhà BC để phòng chống dịch bệnh. Các tòa nhà khác của BV vẫn hoạt động bình thường. "BV đã tổ chức ứng phó nhanh chóng, kịp thời, đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong thích ứng với trạng thái bình thường mới, đảm bảo hoạt động cấp cứu, khám chữa bệnh và các hoạt động khác của bệnh viện", PGS. Cường thông tin.
Quy trình xử trí phụ nữ mang thai nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Khám thai:
- Khi khám thai cần tư vấn các nguy cơ cho mẹ và thai nhi, kết hợp tư vấn các biện pháp dự phòng lây nhiễm và phòng hộ cá nhân cần thiết.
- Lịch khám thai có thể thay đổi tùy tình trạng thai, sức khỏe sản phụ và bệnh lý kèm theo của thai phụ; có thể khám qua hệ thống khám bệnh từ xa.
- Hạn chế số lần thăm khám, hạn chế số nhân viên y tế tiếp xúc người bệnh, rút ngắn thời gian thăm khám và xét nghiệm, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp khi thăm khám người bệnh.
- Hướng dẫn sản phụ tuân thủ thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách.
Xử trí phụ nữ mang thai nhiễm Covid19:
+ Thực hiện việc chăm sóc, theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế điều trị Covid-19, BV dã chiến hoặc tại nhà theo hướng dẫn hiện hành.
+ Ưu tiên điều trị Covid-19 trước, chỉ can thiệp sản khoa khi có triệu chứng cấp cứu về sản khoa hoặc khi tình trạng mẹ nặng cần hội chẩn các chuyên khoa liên quan.
+ Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang và CT Scan ngực, siêu âm, sàng lọc trước sinh như đối với người không mang thai, chỉ sử dụng phương tiện chẩn đoán hình ảnh này khi thật cần thiết với bức xạ liều thấp, chú ý sử dụng các phương tiện bảo vệ thai nhi.
+ Thai phụ nhiễm Covid-19 (kể cả đã khỏi) cần được quản lý thai 2 - 4 tuần/lần nhằm phát hiện sớm những trường hợp tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, dọa đẻ non/đẻ non.
+ Cân nhắc sử dụng thuốc kháng virus, thuốc kháng động và các loại thuốc khác cho thai phụ nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
Can thiệp sản khoa:
a) Điều trị dọa sảy thai, dọa đẻ non cần căn cứ vào tình trạng của thai phụ, thai nhi và nên hội chẩn với các chuyên khoa truyền nhiễm/hồi sức/sơ sinh.
b) Thời điểm và phương pháp sinh: Thời điểm sinh nên được xem xét trên từng trường hợp cụ thể. Theo đó, cần dựa vào tình trạng mẹ, thai nhi, tuổi thai, sau khi hội chẩn với các chuyên khoa liên quan, thảo luận với sản phụ và gia đình:
- Đối với những trường hợp mắc bệnh Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ ở mức độ nhẹ:
+ Nếu tuổi thai từ 39 tuần trở lên, xem xét chỉ định chấm dứt thai kỳ.
+ Nếu tuổi thai 37 tuần - 38 tuần 7 ngày mà không có chỉ định sản khoa khác: xem xét theo dõi thai thường quy cho đến 14 ngày kể từ khi thai phụ có xét nghiệm CovidD-19 dương tính hoặc 07 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng hoặc 03 ngày kể từ khi có sự cải thiện các triệu chứng.
- Đối với những trường hợp mắc Covid-19 nặng hoặc tiên lượng diễn tiến nặng/nguy kịch trong vòng 24h:
+ Trường hợp không thở máy: nếu tình trạng mẹ diễn tiến xấu dần, cân nhắc chấm dứt thai kỳ khi thai > 32 tuần bằng cách khởi phát chuyển dạ, theo dõi sinh đường dưới hoặc mổ lấy thai.
+ Trường hợp có thở máy:
* Nếu thai > 32 tuần: xem xét chỉ định mổ lấy thai.
* Nếu thai ≤ 32 tuần và có khả năng sống: chỉ định sinh nên được trì hoãn nếu tình trạng của mẹ ổn định hoặc có cải thiện; trường hợp tình trạng mẹ diễn tiến xấu hơn: mổ lấy thai;
* Cần cân nhắc chỉ định mổ lấy thai khi tuổi thai dưới 30 tuần.
+ Cân nhắc đến việc chấm dứt thai kỳ trong trường hợp sản phụ nhiễm Covid-19 thể nặng ảnh hưởng nặng đến chức năng hô hấp sau khi hội chẩn giữa chuyên khoa sản, chuyên khoa hồi sức, gây mê hồi sức, sơ sinh.