pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sục rửa toàn bộ đường ống, bể chứa nước tại Khu đô thị Thanh Hà
Người dân KĐT Thanh Hà chia nhau từng gáo nước sạch
Trong vòng 10 ngày sẽ ổn định nguồn nước
Chiều tối 24/10, tại trụ sở UBND xã Cự Khê, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) Nguyễn Trọng Khiển và Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Oai Đoàn Viết Tuấn đã tiếp tục có cuộc họp với đại diện các tổ dân phố, cư dân KĐT Thanh Hà và Công ty CP nước sạch Thanh Hà, Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Thanh Hà và các đơn vị liên quan để xử lý các vấn đề liên quan tới việc cư dân thiếu nước sạch.
Tại cuộc họp, ông Dương Đình Trình, Phó Giám đốc Công ty CP nước sạch Thanh Hà, cho biết, ngày 23/10, đơn vị đã làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội cùng một số đơn vị cấp nước. Qua đó thống nhất tăng cường nước sạch cho KĐT Thanh Hà từ 12h trưa nay (24/10) trở đi, tăng cấp nước.
"Chúng tôi xác định ít nhất trong vòng 10 ngày sẽ ổn định nguồn nước của KĐT Thanh Hà. Sở Xây dựng cũng đã điều trực tiếp Công ty nước mặt sông Đuống, sông Đà, Công ty nước sạch Hà Nội gia tăng các nguồn khác để đáp ứng đủ nước sạch cho cư dân. Yêu cầu bắt đầu từ trưa nay cố gắng đưa về cho khu đô thị từ thử nghiệm 4.000 m3/ngđ, yêu cầu 5.000 m3/ngày, đêm trở lên trong 10 ngày", ông Trình thông tin.
Cũng theo ông Trình, Chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư phát triển địa ốc Cienco 5 đã bổ sung thêm bồn nước. "Với nguồn nước về như thế này thì chiều nay chúng tôi liên hệ với Chi nhánh và dịch vụ nhà ở Thanh Hà sẽ lên phương án tiến hành thau rửa bể để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thau rửa từng khu vực một, bên Chi nhánh và dịch vụ nhà ở sẽ điều tiết việc này", ông Trình nói.
Đại diện Chi nhánh và dịch vụ nhà ở Thanh Hà cho hay đã có kế hoạch thau rửa bể, làm bể mái theo hình thức cuốn chiếu. "Theo đặc thù hiện nay lượng nước đang tiết kiệm cho sinh hoạt nên việc thau rửa phải phụ thuộc Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà.
Hai bên sẽ đưa ra kế hoạch tổng thể, phải sục rửa đường ống nước trước khi thau rửa bể. Sau đó thống nhất với nhau là làm ở toà nhà nào. Để khắc phục mất nước cục bộ, chủ đầu tư và công ty nước sạch, chi nhánh đưa về 2 téc lớn 20m3 tại 2 cụm HH01 và HH02", vị đại diện này chia sẻ.
Người dân cũng nghi ngại đặt câu hỏi lượng nước được cấp về KĐT Thanh Hà, nhu cầu hàng ngày khu đô thị cần tối thiểu 3.500m3/ngày, đêm nhưng hiện nay cấp 3.000m3/ngày, đêm vẫn thiếu trầm trọng. Người dân đang thắc mắc có thực sự lượng nước cấp về như vậy không?
Sẽ sục rửa toàn bộ đường ống, bể nước KĐT Thanh Hà
Sau khi nghe những ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay, trước đó, sáng ngày 23/10, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp, mời nhiều đơn vị liên quan để có nguồn cấp đủ cho KĐT Thanh Hà.
"Với nhu cầu sử dụng tại KĐT Thanh Hà tối thiểu khoảng 3500m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, do đang thiếu nguồn nước nên tại đây phải xác định cấp 5.000 m3/ngày, đêm mới bù được và sau 7-10 ngày nguồn nước mới trở lại bình thường như trước.
Chính vì vậy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã thống nhất với đơn vị cấp nước sẽ điều tiết nước sạch thêm đơn vị khác Công ty nước mặt sông Đà, sông Đuống và nước sạch Hà Nội để cấp nguồn nước về cho Công ty CP nước sạch Hà Đông để đơn vị này cấp lại cho Thanh Hà. Thời gian cấp được tính từ trưa nay (24/10)", ông Khiển nói.
Theo ông Khiển, trong ngày 24/10, qua kiểm tra lượng nước về cho KĐT Thanh Hà chỉ đạt 180m3/h, nếu cấp liên tục 24h cũng chỉ đạt hơn 4000m3/ngày, đêm và chưa đạt được 5.000m3/ngày, đêm như kỳ vọng.
"Để rà soát việc này, chúng tôi sẽ thành lập tổ giám sát, mỗi ngày 1 lần kiểm tra sẽ nắm được tổng số nguồn cung là bao nhiêu để phản hồi lại với Sở Xây dựng. Việc điều tiết nước đến các tổ dân phố phải do Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà phụ trách.
Sở Xây dựng đã chỉ đạo, chủ đầu tư cũng đã đóng lại hệ thống, niêm phong khai thác nguồn nước ngầm. Nếu người dân chưa yên tâm sẽ cho mục sở thị trực tiếp khu vực nguồn nước ngầm đã dừng để mọi người yên tâm", ông Khiển nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cũng cho biết, Sở Xây dựng đã thống nhất giao cho Công ty CP nước sạch Thanh Hà phối hợp cùng Chi nhánh và dịch vụ nhà ở Thanh Hà tiến hành thau rửa và xúc rửa đường ống nước, sau đó cấp nước trở lại rồi lấy mẫu kiểm nghiệm công khai. Khi nước không vấn đề gì bà con yên tâm sử dụng.
Trong thời gian thau rửa, Sở yêu cầu chủ đầu tư bổ sung 5 bồn mỗi bồn khoảng 5m3 và 2 bồn 20m3 để cấp nước. Nếu thiếu tiếp tục bổ sung, các bồn này sử dụng trong trường hợp cấp bách ở các toà chưa có nước. Trong quá trình sục rửa đường ống sẽ dùng nước ở bể này, nguồn nước do Công ty nước sạch sạch Hà Nội và Hà Đông cấp.
"Trước khi cấp các công ty này có trách nhiệm kiểm tra đảm bảo nguồn nước này. Tuy nhiên, trước khi tiến hành sục rửa bể, đường ống, phải thông báo kế hoạch cụ thể để người dân nắm được và chủ động", ông Khiển nói.
Trước thắc mắc của đại diện tổ dân phố về việc trước đó ngành y tế huyện Thanh Oai cho biết kết quả mẫu xét nghiệm nước sạch tại KĐT Thanh Hà vào ngày 13/10 vừa qua thể hiện trong nước có nhiễm vi khuẩn E.coli. Ngành y tế huyện Thanh Oai khuyến cáo cư dân tạm thời không sử dụng nước sạch lấy trực tiếp từ vòi trong khu đô thị để ăn uống. Vậy nguồn nước đang cung cấp cho người dân có ăn uống, sinh hoạt được không?
"Chúng tôi mong Công ty CP nước sạch Thanh Hà cũng như lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai cho biết để chúng tôi tuyên truyền phổ biến cho người dân", đại diện tổ dân phố nói. Trước vấn đề này, ông Dương Đình Trình cho biết, hiện vẫn chưa có kết quả xét nghiệm nên chưa thể trả lời được.
Trước đó vào ngày 23/10, hàng nghìn người dân KĐT Thanh Hà cũng đã có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng yêu cầu đổi đơn vị cung cấp nước cho 1,6 vạn dân tại khu đô thị. Cụ thể, trong đơn, người dân viết: Cư dân KĐT Thanh Hà đang rất hoang mang, lo lắng, mệt mỏi và bất an trước chất lượng nước đã dùng trong 6 năm qua.
Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo quyền lợi cho toàn thể cư dân KĐT Thanh Hà, đảm bản an sinh xã hội, an ninh trật tự, bằng văn bản này, chúng tôi kính đề nghị UBND huyện Thanh Oai xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền đổi đơn vị cung cấp nước sạch sinh hoạt cho toàn bộ KĐT Thanh Hà bằng một đơn vị có năng lực và trách nhiệm với nguồn nước đảm bảo theo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT hiện hành.