pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sức sống mới dưới dãy Phà Cà Tủn
Cuộc sống của người dân xã Tri Lễ đã có những bước đổi thay kỳ diệu
Xa rồi những mùa hoa anh túc
Ngồi từ phòng làm việc, chỉ tay về dãy núi cao vời vợi, ẩn hiện trong lớp sương mờ, ông Vi Văn Du, Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết, đó là dãy núi Phà Cà Tủn. Đây là dãy núi cao nhất của huyện Quế Phong, phía Tây là biên giới giáp ranh huyện Sầm Tớ, nước bạn Lào.
Dưới chân núi Phà Cà Tủn là các bản người Mông sinh sống. Người Mông trước đây sống chủ yếu du canh, du cư gắn với sản xuất nương rẫy, canh tác trên đất dốc. Mỗi khu rừng, người Mông thường rồng trọt 2-3 vụ trước khi bỏ hoang để đi tìm vùng đất mới. Chính vì cuộc sống nay đây mai đó nên người Mông đặt chân đến đâu, những cánh rừng bị "cạo trọc" đến đó. Tại xã Tri Lễ, vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi nơi đây từng là "vựa" thuốc phiện nổi tiếng.
Suốt một thời gian dài, độ khoảng vài chục năm, xã Tri Lễ là thủ phủ cây thuốc phiện. Dù cây thuốc phiện đã lùi vào quá vãng nhưng ông Du nói rằng, những cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn trên vùng biên viễn này vẫn còn hiện hữu trong trí nhớ của ông.
"Cây thuộc phiện phát triển rất tốt ở vùng đất này, đặc biệt ở những thung lũng nhỏ trên những bản cao của người Mông. Sau khi Đảng và Nhà nước có chủ trương cấm, chúng tôi phải mất một thời gian dài mới xóa bỏ được. Thậm chí đến năm 2012, xã Tri Lễ vẫn phát hiện người dân lén lút trồng", ông Du kể lại.
Cụ thể, vào ngày 23/2/2012, lực lượng BĐBP Đồn 519 phối hợp với Công an huyện Quế Phong và công an, dân quân xã Tri Lễ đã tiến hành kiểm tra tại khu vực làm rẫy của người dân bản Huồi Xai 1 và 2. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn chục đám rẫy trồng cây thuốc phiện. Trong đó, đám nhỏ có diện tích từ 30 m2 - 40 m2, đám lớn nhất có diện tích khoảng trên 2.000 m2.
Mặc dù, chính quyền địa phương cũng như lực lượng bộ đội biên phòng luôn tuyên truyền bà con không nên trồng cây thuốc phiện nhưng bà con không dễ dàng từ bỏ cây thuốc phiện. Tuyên truyền ra rả, có thưởng có phạt, nhưng đến mùa, hoa anh túc vẫn cứ nở tím trong những khoảnh rừng, trên nương rẫy người Mông. Thế nhưng, vụ việc phát hiện người dân lén lún trồng cây thuốc phiện vào năm 2012 cũng là lần cuối cùng hoa anh túc nở dưới dãy Phà Cà Tủn.
"Những nương thuốc phiện, ruộng anh túc trước đây giờ là cánh đồng lúa. Dù nhiều bản người Mông hiện vẫn còn rất khó khăn khi điện và sóng điện thoại chưa phủ tới nhưng đời sống cũng đã thay đổi rất nhiều. Người dân chí thú làm ăn, canh tác ổn định.
Xã Tri Lễ còn rất tự hào vì có 2 sản phẩm nổi tiếng là gạo Japonica và nếp Khau cày nọi. Những sản phẩm này đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp của xã vì giá rất cao, mang lại nguồn thu lớn cho người dân", ông Du chia sẻ.
Những cánh rừng đã xanh trở lại
Theo ông Vi Văn Du, một thời gian dài vì cuộc sống "nay đây mai đó" với tập tục phá rừng làm rẫy nên đời sống của nhiều bản làng người Mông trên địa bàn xã vẫn chìm trong đói nghèo và lạc hậu. Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào, năm 2001 khu kinh tế mới Minh Châu được xây dựng để đưa gần 200 người Mông, người Khơ Mú về sinh sống ổn định được xem là bước đi đặc biệt thành công ở xã Tri Lễ.
Hàng trăm hộ người Mông từ các bản vùng cao Huồi Mới I, Huồi Mới II, Huồi Xái, Nậm Tột… đã được "hạ sơn" xuống vùng kinh tế mới. Thế nhưng, năm 2004 người dân bắt đầu về khu Minh Châu đến năm 2006 đã có hàng trăm hộ bỏ về bản cũ hoặc di cư sang Lào.
"Người dân vốn sống trên núi cao nay xuống vùng thấp nói không có củi để đun, có ruộng nhưng không biết canh tác. Lúc đó, tôi đang là Chủ tịch Hội nông dân. Mặc dù ngày đêm xuống tuyên truyền vận động nhưng vẫn không giữ chân được người dân. Có thời điểm cả khu chỉ còn lại khoảng 30 hộ", ông Du nhớ lại.
Thế nhưng, sau khi bỏ lên bản, người dân tiếp tục gặp khó. Một số hộ di cư sang Lào bị nước bạn trả trở về, chính quyền tiếp tục đưa trở lại khu kinh tế mới Minh Châu. Với phương châm "cầm tay chỉ việc" bên cạnh việc động viên, thuyết phục, cuối cùng hàng trăm hộ dân người Mông và một số ít người Khơ Mú cũng đã dần quen với tập tục canh tác ổn định.
Những cánh đồng lúa nước, những ruộng mía của người Mông đã xuất hiện ngay giữa đồng bằng. Những người Mông hạ sơn đã sinh sống ổn định tại nơi ở mới kéo theo đó là những cánh rừng cũng dần xanh trở lại khi người Mông không còn phá rừng làm rẫy.
Khu kinh tế Minh Châu nay là bản Na Niếng nằm ngay bên QL48. Vẫn còn những ngôi nhà gỗ lợp bằng gỗ Pơ Mu nhưng bên cạnh đó là rất nhiều ngôi nhà mới được xây theo phong cách hiện đại đã xuất hiện.
Hôm chúng tôi về thăm bản Na Niếng, gặp ông Thò Chớ Xung (62 tuổi) và vợ Sùng Y Hua (58 tuổi) đang san đất để chuẩn bị xây nhà mới. Ông Xung cho biết, ông xuống định cư từ năm 2012. Khi mới xuống vì không biết làm ruộng nên đời sống gặp khó và nhiều lần vợ chồng ông dẫn theo 5 người con về bản để canh tác.
Thế nhưng, sau đó được sự hỗ trợ của cán bộ, vợ chồng ông đã quen với cách canh tác mới. Ngoài ra, ông Xung còn có nghề thợ rèn truyền thống, hiện tại mỗi ngày ông rèn được 3 con dao bán được 600 nghìn đồng. Chăm chỉ làm lụng và tích cóp, sau nhiều năm, vợ chồng ông Xung đã có được một khoản tiền lớn.
"Tôi vẫn giữ lại ngôi nhà cũ được làm theo phong cách người Mông nhưng sẽ xây ngôi nhà mới bên cạnh. Nếu vẫn sống trên bản, gia đình tôi chắc chắn vẫn rất nghèo khổ. Có được cuộc sống như ngày hôm nay giống như một giấc mơ", ông Xung hào hứng chia sẻ.
Mới đây, phiên chợ người Mông mỗi tháng mở một lần vào ngày mùng 1 hàng tháng cũng đã chính thức được khai trương tại bản Na Niếng. Dù mới chỉ mới mở được 3 lần nhưng lần nào cũng thu hút được hàng trăm người dân tham gia.
Phiên chợ là nơi hội tụ nét văn hóa, ẩm thực, những sản phẩm đặc sắc của người Mông, là nơi giao lưu buôn bán, giúp bà con thuận tiện hơn trong việc mua, bán các sản phẩm thủ công, chăn nuôi của gia đình mình, mang lại nguồn kinh tế ổn định, lâu dài. Vào những ngày mùng 1 đầu tháng, người Mông dưới dãy Pà Cà Tủn lại xúng xính váy áo, nắm tay nhau đến chợ phiên.