Chiều 18/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 990 Thanh Hóa. Theo đó, chương trình Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa sẽ diễn ra tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa vào 20 giờ tối 8/5/2018 với chủ đề Tỏa sáng cùng non sông đất nước, được thực hiện theo hình thức sân khấu hóa.
Chương trình gồm 90 phút, trong đó phần nghệ thuật dài 50 phút, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và Đài PTTH Thanh Hóa. Không gian dàn dựng chương trình là sân khấu Quảng trường Lam Sơn với chiều dài hơn 100m, phục vụ trên 20.000 khán giả tham dự trực tiếp và hàng triệu khán giả theo dõi qua truyền hình.
Theo Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, tổng thể không gian sân khấu là sự kết hợp giữa mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động với kỹ thuật hiện đại. Một mặt trống đồng lớn đường kính 15m được thiết kế giữa trung tâm sân khấu, tôn vinh Thần Trống Đồng hiện còn được thờ ở đền Đồng Cổ, ngôi đền lâu đời nhất trên xứ Thanh.
“Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyện kể của Thần Đồng Cổ. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), Mô hình biểu tượng của tỉnh, Cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc sừng sững tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa”, Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết thêm.
Từ chủ đề Tỏa sáng cùng non sông đất nước, tác giả kịch bản – Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương phát triển chương trình thành 3 chương với 9 trường đoạn liên tục và liền mạch. Chương I: Địa linh nhân kiệt gồm Cội nguồn xứ sở - Hội thề Đồng Cổ - Gọi tên quê hương. Chương II: Truyền thống anh hùng với các trường đoạn: Bài ca giữ nước – Kỳ tích Hàm Rồng – Tỏa sáng cùng non sông đất nước. Chương III: Khát vọng thịnh vượng với các trường đoạn: Nghị lực vươn lên – Đổi mới phát triển – Khát vọng thịnh vượng.
Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương cũng tiết lộ, anh áp dụng phương pháp dàn dựng tổng thể kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại với mong muốn tạo cho chương trình tính hấp dẫn, đa dạng với nhiều yếu tố bất ngờ, hướng tới phục vụ đông đảo các tầng lớp khán giả. Nghệ thuật tuồng, chèo cổ, trống đồng, ngâm vịnh được kết hợp các thể văn tế, cáo sẽ được đan xen với ca, múa, nhạc với việc ứng dụng mỹ thuật sắp đặt, âm thanh, ánh sáng, pháo kỹ xảo và nghệ thuật trình chiếu video hiện đại tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho chương trình. Đặc biệt 2.970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành 3 lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa sẽ tạo điểm nhấn tỏa sáng rực rỡ cho chủ đề của chương trình.
Chương trình Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa huy động một lực lượng nghệ sĩ diễn viên hùng hậu với hơn 500 người. Các nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực đã được mời tham gia sáng tạo và biểu diễn trong chương trình như NSND Hương Thơm, NSND Trương Hải Thọ, NSƯT Thế Việt, NSND Trần Bình, NSƯT Mạnh Tiến, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, Huyền Trang, Lê Anh Dũng...
Nói thêm về chủ đề Tỏa sáng cùng non sông đất nước, Tổng đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Trong lịch sử hàng nghìn năm nói chung và lịch sử 990 năm tên gọi Thanh Hóa nói riêng, xứ Thanh đã là cái nôi phát tiết và sinh dưỡng nhiều anh hùng và danh nhân của dân tộc. Chính những con người này, cùng với nhân dân xứ Thanh đã tỏa sáng cùng non sông đất nước, đạt được nhiều thành tựu to lớn làm giàu có thêm những trang quốc sử huy hoàng. Chủ đề của chương trình nhấn mạnh vào khía cạnh xứ Thanh tuy là “vùng đất căn bản” nhưng không tồn tại tách biệt đơn lẻ mà tỏa sáng và hòa chung cùng hào khí của cả non sông đất nước, tạo nên một tinh thần Việt Nam, sức mạnh Việt Nam như hôm nay”.
Lê Quý Dương là tác giả kịch bản và Tổng đạo diễn dàn dựng các lễ hội sự kiện sử thi và hiện đại quy mô quốc gia và quốc tế tại Việt Nam với hàng loạt các chương trình nổi tiếng như Festival Huế, Festival Biển Nha Trang, Festival Dừa Bến Tre, Festival Lúa gạo Sóc Trăng, Festival Đờn ca Tài tử Nam bộ, Bạc Liêu, Festival Cà phê Buôn Ma Thuột, Festival Gốm Bình Dương, Festival Di sản Hội An Quảng Nam, Festival Pháo Hoa Đà Nẵng và nhiều chương trình Lễ Kỷ niệm lớn khác của đất nước.
Anh cũng là tác giả và đạo diễn đã đặt nền móng cho sân khấu thực cảnh tại Việt Nam qua các chương trình Đêm Hoàng Cung lấy toàn bộ thực cảnh của Đại Nội Huế để dàn dựng tại các kỳ Festival Huế từ 2006 đến 2014, chương trình Huyền thoại sông Hương lấy thực cảnh 15km trên sông hương để dàn dựng tại Festival Huế 2008 và 2010. Anh đã lập 6 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và tổ chức các chương trình sự kiện lớn, được giới truyền thông mệnh danh là “Vua lễ hội” trong nhiều năm qua.
Hiện nay, Lê Quý Dương là Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới ITI của UNESCO và là Chủ tịch của Diễn đàn Festival Quốc tế với hơn 100 quốc gia thành viên.