pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tài khoản Vietcombank "bốc hơi" 406 triệu, bao giờ khách hàng đòi được tiền?
Ảnh minh họa: VCB
Như PNVN đã đưa tin, ngày 4/9, ông T.V.L (Q.Thủ Đức, TP.HCM) phản ánh về việc số tiền 406 triệu đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Nam Bình Dương bị "bốc hơi".
Cụ thể, thông qua ứng dụng Digibank của Vietcombank, số tiền trên được chuyển đến 2 tài khoản ở 2 ngân hàng khác với 4 lần giao dịch.
Đại diện VCB cho hay, kết quả rà soát dữ liệu giao dịch của khách hàng và thông tin từ cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn, ngân hàng này ghi nhận các giao dịch đã được thực hiện bởi đúng thông tin định danh của chủ tài khoản (tên tài khoản, mật khẩu và mã OTP).
Ngân hàng này cũng khẳng định hệ thống của mình vẫn an toàn, bảo mật. Chỉ khi tên truy cập, mật khẩu truy cập và mã OTP xác thực giao dịch được cung cấp đúng thì giao dịch mới được VCB xử lý.
Vietcombank cho biết, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với khách hàng và yêu cầu từ cơ quan điều tra. Trong thời gian chờ kết quả xử lý tra soát giao dịch tại ngân hàng hưởng (thời gian tối đa là 45 ngày), Vietcombank tiếp tục phối hợp và sẽ cập nhật thông tin tới khách hàng.
Với trường hợp này, Công ty an ninh mạng đưa ra hai kịch bản. Thứ nhất, kẻ xấu đã lừa khách hàng nhập mã OTP vào một website giả mạo để chiếm mã OTP, tạo ra giao dịch chuyển tiền giả mạo.
Thứ hai, kẻ xấu lừa khách hàng cài đặt một phần mềm gián điệp trên điện thoại. Phần mềm này sẽ theo dõi tất cả thông tin, trong đó có tin nhắn SMS chứa mã OTP và các thông tin đăng nhập và tạo giao dịch chuyển tiền.
Các chuyên gia an ninh thẻ cho rằng, người dùng cũng phải cảnh giác với các chiêu như thông báo trúng thưởng, giả là công an để yêu cầu khai tên đăng nhập… sau đó lấy sạch tiền trong tài khoản.
Hiện một số ngân hàng cho khách chọn một trong hai hình thức: nhận tin nhắn trong app (miễn phí) hoặc tin nhắn viễn thông (có thu phí) để thông báo thay đổi số dư.
Sau vụ khách hàng bị mất 406 triệu đồng, nhiều cảnh báo cho rằng không nên bỏ dịch vụ thông báo biến động số dư qua tin nhắn bởi nếu chỉ nhận thông báo trong app, điện thoại phải được kết nối WiFi hoặc 3G, 4G liên tục, nếu không sẽ không nhận được tin nhắn kịp thời.
Gian nan đòi tiền
Chuyện tiền trong tài khoản bốc hơi như trường hợp trên không hiếm và quá trình để khách hàng nhận lại được số tiền mình bị mất không đơn giản. Với những trường hợp phải nhờ phía công an xác minh lỗi do ai, thì khách hàng sẽ phải chờ đợi nhiều năm mới hy vọng lấy lại được tiền dù lỗi không phải của mình.
Từng có một vụ đình đám là trường hợp của bà Chu Thị Bình khi bỗng nhiên bị mất 245 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank. Vụ việc xảy ra từ cuối tháng 2/2017. Tại thời điểm đó, bà Bình đã phản ánh với ngân hàng và sau đó gửi đơn tố cáo lên Bộ Công an. Kết quả sau nhiều lần chờ đợi và phía tòa án ra phán quyết buộc Eximbank phải hoàn trả tiền gốc và lãi cho khách hàng. Đến cuối năm 2018, bà Chu Thị Bình mới nhận được tiền của mình và đến tháng 5/2019, bà mới nhận được 115 tỉ đồng tiền lãi phát sinh và chậm trả theo lãi suất có kỳ hạn.