pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tại sao nhiều đứa trẻ học tập chăm chỉ nhưng điểm số vẫn thấp?
Cha mẹ nào cũng muốn con lớn lên thành công, giỏi giang, không ai muốn con trở thành "học sinh yếu kém", năng lực tầm thường cả. Cũng vì vậy, nhiều cha mẹ có những yêu cầu khắt khe với việc học tập của con.
Tuy nhiên kết quả của con cái không phải lúc nào cũng như ý muốn của cha mẹ. Có những em đã học tập rất chăm nhưng điểm số vẫn kém, thậm chí còn không bằng những bạn lười biếng hơn. Điều này khiến phụ huynh hoang mang, không hiểu nguyên do tại sao? Vậy nguyên nhân sâu xa của hiện trạng này là gì?
Do phương pháp học tập có vấn đề, làm nhiều việc vô ích
Trong học tập, mỗi giai đoạn là khác nhau. Ở tiểu học, hầu hết trẻ có thể đạt điểm cao bằng cách dựa theo công thức. Tuy nhiên ở cấp THCS, chỉ dựa vào điều này thì không thể cải thiện được điểm số. Càng lên cấp cao, trẻ càng phải vận dụng nhiều tư duy logic.
Nếu trẻ luôn áp dụng một phương pháp học tập xuyên suốt quá trình, trong tất cả các giai đoạn thì dù có chăm chỉ đến đâu cũng không đạt được kết quả học tập tốt. Nếu phương pháp học tập có vấn đề thì cũng tương đương với việc học nhiều đến mấy cũng vô ích.
Thừa nhận rằng đầu óc trẻ không linh họat
Sẽ luôn có một hoặc hai học sinh trong lớp học không tốt, không phải vì các em không thích học hay vì các em không chăm chỉ mà là đầu óc của trẻ kém linh hoạt hơn các bạn khác, bất kể áp dụng phương pháp học gì.
Trong nhiều trường hợp, cha mẹ phải nhìn nhận việc trí óc, tài năng học tập của trẻ chỉ ở mức trung bình. Ở bậc tiểu học, trẻ có thể vẫn ổn, nhưng lên các cấp cao hơn mới thấy rõ sự sụt giảm thành tích. Bởi vì các cấp học cao hơn, tư duy logic càng cao hơn. Các dạng bài tập đòi hỏi người học phải suy luận nhiều thì mới ra đáp án.
Lý do quan trọng nhất, đó là sự "nỗ lực giả"
Ngày nay, dưới hình thức giáo dục theo định hướng thi cử, nhận thức chung của nhiều học sinh là phải vào đại học để hoàn thành nguyện vọng của cha mẹ. Dù dành nhiều thời gian cho việc học, nhưng trẻ học không vì niềm đam mê, yêu thích thực sự mà là vì kỳ vọng của cha mẹ. Trong mắt cha mẹ, giáo viên, trẻ có vẻ rất chăm chỉ, nỗ lực, nhưng thực chất là sự "nỗ lực giả", không xuất phát từ mong muốn cá nhân.
Theo các chuyên gia giáo dục, sự "nỗ lực giả" còn khủng khiếp hơn là không nỗ lực và có thể làm tổn thương chính con trẻ.
Tại sao "nỗ lực giả" lại kinh khủng như vậy, bởi vì nỗ lực giả là một loại "tự lừa dối bản thân". Trẻ "nỗ lực giả" để lừa dối tất cả mọi người, có thể phát huy trong các kỳ thi bình thường, nhưng không thể trở thành động lực thực trong kỳ thi đại học.
Trong cuộc sống, có không ít học sinh "nỗ lực giả". Các em biết rõ điều rõ, nhưng điều đáng buồn nhất là vẫn chấp nhận với tình trạng đó. Có một số biểu hiện cho thấy, trẻ đang "nỗ lực giả":
- Trẻ không nghiêm túc trong lớp, luôn thức khuya sau giờ học và đắm mình trong những câu hỏi.
- Trẻ làm theo những gì người khác làm, không thực sự suy ngẫm về việc học của mình. Dù trẻ có mang thật nhiều sách mỗi khi đi học thì kết quả cũng chẳng đến đâu.
- Không bao giờ nghĩ suy nghĩ về bài giảng, chỉ chăm chăm chép bài trong lớp.
- Trẻ chưa bao giờ đọc các câu hỏi ví dụ và câu hỏi cơ bản trong sách giáo khoa.
Việc học cần xuất phát từ sự yêu thích thực tâm thì trẻ mới có thể nhanh chóng tiến bộ, đạt được kết quả tốt. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cần đồng hành, theo dõi quá trình học tập của trẻ. Nếu thấy những biểu hiện "nỗ lực giả" thì cần ngồi xuống nói chuyện với con để cùng tìm ra giải pháp khắc phục.