Tâm Bùi “mách” cho người trẻ bí quyết trở thành Travel Blogger

14/09/2017 - 18:45
Vừa mới ra mắt, cuốn du ký “Bụi đường tuổi trẻ” của travel blogger Tâm Bùi đã khiến độc giả, đặc biệt là người trẻ mê xê dịch, chú ý. Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với Tâm Bùi xoay quanh nghề travel blogger và cuốn sách của anh.
236a0183.JPG
Travel blogger Tâm Bùi

 

Không trốn chạy nỗi cô đơn

Travel blogger là khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Bạn có thể phác họa đôi nét về nghề này?

Khoảng 3, 4 năm gần đây, travel blogger dần phổ biến ở Việt Nam. Giới trẻ Việt phóng khoáng hơn, có điều kiện di chuyển nhiều hơn cha anh cách đây vài thập niên bởi các hãng hàng không giá rẻ đua nhau khuyến mãi. Mạng xã hội phát triển làm tư duy người trẻ thay đổi và hòa nhập hơn với giới trẻ thế giới.

Ở Mỹ tung một video clip ca nhạc thì 1 giây sau, Việt Nam đã cập nhật được. Hoặc ai đó ở một xó xỉnh có hành tung đen tối cũng có thể dễ dàng bị cả thế giới lên án nhờ vài hình ảnh trên facebook. Việc một đứa nhóc khăn gói đi khám phá thế giới dần không còn là điều xa lạ nữa. Quan trọng hơn là người trẻ Việt nhận thức được tầm quan trọng của việc đi để khám phá thế giới, học hỏi những điều hay ho của bạn bè, và để thấy cái tôi của mình nhỏ lại. Trong cộng động dịch chuyển đông đảo ấy nổi lên những nhân tố nổi bật. Họ truyền cảm hứng cho hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí là cả thế hệ trẻ niềm cảm hứng dịch chuyển bất tận, giúp các bạn trẻ nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Họ chính là những travel blogger.

Vậy để trở thành một traver blogger, theo bạn cần hội tụ những điều gì?

Thứ nhất, bạn nên trả lời được câu hỏi: “Bạn thích làm gì nhất và bạn làm gì giỏi nhất?”. Có rất nhiều ngành nghề giúp bạn dịch chuyển được như viết báo, chụp ảnh, quay video…

Thứ hai: Rèn luyện kỹ năng viết. Travel blogger đòi hỏi việc chia sẻ hành trình, câu chuyện trên mạng xã hội. Ngoài hình ảnh, video thì con chữ là một phương tiện truyền tải không thể thiếu. Mà để viết tốt thì trước tiên phải đọc nhiều. Đọc giúp chúng ta mở mang kiến thức và cả vốn từ vựng.

Thứ ba: Chọn nền tảng truyền thông thích hợp. Có bạn thích chia sẻ ảnh trên Instagram, có người viết trên facebook, wordpress hay up video lên youtube. Mỗi nền tảng truyền thông phù hợp với một thế mạnh nhất định. Bạn nên cân nhắc cẩn thận trước khi chọn lựa đặt “địa bàn hoạt động” của mình ở đâu.

Thứ tư: Đầu tư thiết bị. Nghề nào cũng cần máy móc hỗ trợ. Ví dụ nghề viết cần một cái máy tính mỏng, nhẹ, đủ mạnh để dùng các ứng dụng văn phòng và lướt web. Nghề chụp ảnh cần nhiều thiết bị hơn như máy ảnh và lens. Nghề review ẩm thực thì cần một chiếc máy ảnh nhỏ gọn, chiếu sáng tốt để vừa chụp vừa quay lại thức ăn…

Thứ năm: Chuẩn bị sức khoẻ tốt bằng cách ăn uống đầy đủ, vận động cơ thể để có sức dẻo dai. Nghề travel blogger đòi hỏi phải di chuyển nhiều nên sức khoẻ là điều không thể thiếu.

Bạn đã bao giờ đứng trước sự sợ hãi trong hành trình của mình? Và bạn vượt qua nó bằng cách nào?

Tôi từng sợ rất nhiều thứ, nhất là sợ cô đơn. Và tôi quyết định đối mặt với nó chứ không trốn chạy. Tôi cho rằng độc hành là một liều thuốc đặc trị cho những ai mắc bệnh sợ cô đơn này. Chỉ khi chúng ta đối diện với chính nỗi cô đơn của mình, cảm thấy hạnh phúc khi một mình thì mới mong mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Vì vậy, trong giai đoạn còn chật vật và loay hoay, mất định hướng, tôi đã chọn độc hành để được chiêm nghiệm và đúc kết nhiều bài học cho chính mình.

bia-bui-duong-tuoi-tre.jpg
Cuốn du ký "Bụi đường tuổi trẻ"

“Thế mạnh của tôi là người chụp ảnh biết viết”

Chắc hẳn một trong những thành quả được bạn “nghiệm thu” và trình ra với đông đảo các fan vẫn dõi theo các hành trình của bạn, là cuốn du ký “Bụi đường tuổi trẻ”. Việc viết du ký có là điều dễ dàng với một photographer và travel blogger như Tâm Bùi không?

Tôi dành ra 6 tháng để viết bản thảo. Lúc đầu, tôi cực kỳ hoang mang vì viết sách rất khác so với việc viết status tâm sự hàng ngày trên facebook. Cái quan trọng của một quyển sách là người viết phải xây dựng nên bộ “khung sườn” thật chắc chắn. Từ đó mình mới lấp đầy nó bằng từ ngữ, văn phong của mình. Nếu không, câu chuyện sẽ rất lan man và không có hồi kết. Việc tăng khối lượng công việc lên đột ngột cũng làm tôi chưa kịp thích nghi nên tôi cho mình một lộ trình để hoàn thành. Ban đầu, mỗi ngày tôi viết ½ trang. Dần dần tăng lên 1 trang, rồi 2 trang. Cho tới khi “đô” tăng, tôi viết một mạch mười mấy trang không dừng.

Có thực tế, những năm gần đây thể loại sách du ký bội thu về số lượng, bạn nghĩ “Bụi đường tuổi trẻ” sẽ đứng ở đâu trong tập hợp đông đảo các tác phẩm đã ra mắt, liệu cuốn sách có bị lẫn vào số đông ấy không?

Thế mạnh của tôi là “một người chụp ảnh biết viết”. Thường thì các tác giả khác họ viết được nhưng không có ảnh để minh họa hoặc có thì cũng rất hạn chế. Còn các nhiếp ảnh gia khi làm sách thì đa phần không viết được hoặc phải nhờ người khác chấp bút. Tôi có một kho ảnh khổng lồ kèm theo một bản thảo dày cộp tự viết. Chắc chắn những tư liệu đó diễn tả đúng nhất bản chất nội tâm của tôi hơn là phải nhờ người khác viết hộ lòng mình. Tuy nhiên, vừa là thế mạnh cũng vừa gây đau đầu vì phải rất tốn thời gian để biên tập, chắt lọc cái nào phù hợp để sử dụng, cái nào cần lược bỏ để tránh làm quyển sách trở thành một cuốn kim từ điển bách khoa toàn thư.

Ngoài ra, Bụi đường tuổi trẻ cũng là một đứa “con cưng” của nhà xuất bản khi được in màu hết 152 trang. Khi mở quyển sách ra, bạn sẽ bị cuốn ngay vào guồng quay của hình ảnh và con chữ. Trong khi nhiều quyển sách du ký khác chỉ được in trắng đen, chỉ vài trang hình ảnh màu kèm theo.

Vậy bạn kỳ vọng gì vào “Bụi đường tuổi trẻ”, so với cuốn sách ảnh “Gà trống - Gà mái & Những kẻ mộng mơ” của bạn đã ra mắt năm 2015 chẳng hạn?

Tôi chỉ mong "đứa con tinh thần" này thực hiện tốt sứ mệnh của nó là truyền cảm hứng sống đến càng nhiều người trẻ càng tốt. Để ở những hành trình xa xôi tiếp theo, tôi không chỉ gặp những bạn trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Mỹ… trên đường nữa, mà phải có thêm những người Việt cùng lên đường khám phá thế giới.

Cảm ơn Tâm Bùi!

1.jpg 

Tâm Bùi tên thật là Bùi Thanh Tâm, sinh năm 1985 tại Vị Thanh, Hậu Giang, đã tốt nghiệp khoa Đông phương học, ĐH KHXH&NV TPHCM. Anh từng tham gia sản xuất chương trình truyền hình, là một trong travel blogger đầu tiên của Việt Nam.

NXB Kim Đồng và Tâm Bùi sẽ có các buổi giao lưu với độc giả nhân dịp ra mắt cuốn du ký Bụi đường tuổi trẻ vào ngày 17/9 tại TPHCM, ngày 24/9 tại Đà Nẵng và ngày 1/10 tại Hà Nội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm