pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhân viên y tế tuyến cơ sở ở TPHCM: Gác lại nỗi nhớ nhà, giành lấy từng sự sống
Quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Gác lại nỗi nhớ nhà
Nhìn bữa cơm mỗi người ngồi một góc, anh Lê Quốc Bình, Trạm trưởng trạm y tế xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) lại nhớ da diết bữa cơm quây quần cùng gia đình. Bởi lẽ, từ nhiều tháng nay, anh chưa về nhà. Anh lựa chọn ở lại nơi làm việc để hoàn thành nhiệm vụ và bảo vệ sức khỏe cho người thân trước dịch Covid-19.
Anh Bình chia sẻ: "Trong mùa dịch bệnh, những việc làm hằng ngày, những điều giản dị, nhỏ nhặt đôi khi không thể thực hiện được. Tình cảm gia đình lại càng quý giá. Tối nào không đi lấy mẫu xét nghiệm là anh em trong trạm ai cũng tranh thủ gọi về nhà. Có đêm 2 giờ sáng, anh em trong trạm mới chợp mắt, mọi người chỉ biết an ủi nhau cố gắng chống dịch cho tốt để sớm được về nhà. Công việc chúng tôi rất bận rộn, hầu như ngày nào chúng tôi cũng đi lấy mẫu xét nghiệm, mỗi lần lấy mẫu tôi rất hy vọng đừng có ca dương tính. Có những gia đình có con nhỏ hay cụ già trên 80 tuổi phải đi cách ly tập trung, họ di chuyển chậm nhân viên y tế phải bế lên xe, chứng kiến cảnh đó thấy thương lắm".
Cùng chung tâm trạng, chị Thanh Thủy điều dưỡng trạm y tế xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng đang có con nhỏ 3 tuổi và phải gửi con cho ông bà nội chăm trong những ngày đi chống dịch. "Nghề mà! Mình phải nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh chung với mọi người chứ không có cách nào khác", chị Thủy bộc bạch.
Còn anh Thanh Trúc, làm chung với anh Bình, chị Thủy, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay chưa một lần về nhà. Anh Trúc cho hay: "Dù sao tôi cũng là điều dưỡng, nếu bị bệnh cũng biết cách chăm sóc sức khỏe hơn là về nhà rồi lây cho người thân. Ngày nào tôi cũng gọi điện thoại về nhà để hỏi thăm ba mẹ nhưng sao làm hoài mà công việc vẫn đằng đẵng chưa xong".
Giành lấy từng sự sống
Với những người là y tế tuyến cơ sở, công việc của họ trong mùa dịch cũng vất vả, áp lực không khác gì tuyến trên. Tại các trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, tài xế lái xe cấp cứu… đang căng mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 để giành lấy từng sự sống cho bệnh nhân hoặc thức trắng đêm để đưa người đi cách ly.
Có lẽ chưa bao giờ tiếng chuông điện thoại lại trở nên ám ảnh đến thế. Bất kể ngày đêm khi nhận được thông tin dịch bệnh là họ phải truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch. Có không ít ngày làm việc trắng đêm, cơm ăn vội không đúng giờ, giấc ngủ tính từng phút hoặc võng mắc ngủ tạm qua đêm. Thế nhưng tinh thần lăn xả thật đáng ghi nhận khi công việc đầy áp lực cứ nối tiếp nhau.
Bạn trẻ Đào Nguyễn Nhựt Linh tình nguyện viên hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TPHCM), chia sẻ: "Mình đã chứng kiến rất nhiều y, bác sĩ lấy mẫu nhiều đến mức run tay, mặt hằn sâu vết khẩu trang y tế, cả người ướt sũng vì đồ bảo hộ, lòng tay nhăn nheo vì mồ hôi… Những hình ảnh đó đã thôi thúc mình tiếp tục cố gắng hỗ trợ cho các anh chị. Bây giờ, việc mỗi ngày đến điểm lấy mẫu hay các công việc hậu cần tại vùng dịch đã không còn làm mình phân vân lúc đầu nữa. Tổ quốc gọi thì mình lên đường thôi".
Chống dịch như chống giặc, một cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy rẫy nguy hiểm. Nhiều nhân viên y tế và gia đình của họ đang gác lại hạnh phúc riêng để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, cùng "chữa trị" cho Sài Gòn mau khỏi "bệnh".
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ