Chị Nguyễn Thủy (SN 1988), cơ sở gốm sứ Nguyễn Thủy (Bát Tràng – Gia Lâm –Hà Nội), cho biết: Làng gốm Bát Tràng phát triển từ lâu đời, hình thành nhiều lò gốm lâu năm, nên việc khởi nghiệp với người mới bắt đầu sẽ càng khó khăn gấp bội nếu không thay đổi tư duy.
Đặc biệt, với những người khởi nghiệp với dòng gốm cao cấp, có số vốn lớn thì càng phải sáng tạo, có hướng đi mới để kết nối thị trường, tránh bị đọng vốn. Năm vừa qua, mặt hàng gốm trang trí họa tiết bằng vàng cao cấp được ưa chuộng và là mặt hàng đắt nhất hiện nay của làng gốm Bát Tràng.
Chị Thủy tâm sự, khởi nghiệp là cả quá trình gian khổ vượt lên chính mình. Dù có gốc gác, truyền thống gia đình từ làng cổ Bát Tràng nhưng chị không được thừa hưởng các lò gốm của ông ngoại để lại. Từ ngày còn trên ghế nhà trường, nửa buổi Thủy đi học, nửa buổi về làm thuê, buổi tối lại tiếp tục tự mày mò học vẽ sản phẩm đến khuya. Để khởi nghiệp, chị không quản cơ cực đi làm thuê tại các lò gốm để có kinh nghiệm gây dựng con đường kinh doanh của riêng mình.
Những năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, mạng xã hội đã “phủ sóng” khắp nơi. Chị nhận thấy hướng đưa sản phẩm ra thì trường cần phải thay đổi để tận dụng được công nghệ, giảm thấp nhất chi phí thuê mặt bằng, đưa sản phẩm ra với thị trường với “chi phí chỉ 0 đồng”.
Hàng ngày, chị vẫn trưng bày và bán các sản phẩm gốm của mình tại ki ốt chợ gốm đầu mối Bát Tràng, đến tối chị livestream trên facebook và các diễn đàn lớn liên quan tới gốm sứ, cây cảnh, non bộ…
Chị Thủy chia sẻ: "Cả xã hội khởi nghiệp và nói tới áp dụng công nghiệp 4.0 trong kinh doanh. Ứng dụng công nghiệp 4.0, không có nghĩa phải làm điều gì lớn lao, vĩ đại. Mình chủ động tiếp cận những tiến bộ của khoa học, áp dụng từ những điều nhỏ nhất của công nghệ vào hoạt động kinh doanh để tiết giảm chi phí đã là thành công rồi, chứ công nghiệp 4.0 có ở đâu xa xôi”.
Nhờ mạnh dạn livestream qua mạng xã hội, cuối năm 2017 đến nay, mặt hàng của gia đình chị Thủy đã được cộng đồng mạng biết tới nhiều hơn với sản phẩm gốm cao cấp họa tiết phủ bằng vàng. Các đơn hàng liên tiếp đổ về mà không mất quá nhiều chi phí quảng bá thương hiệu. Nhờ thế mà đơn hàng đặt mua qua online và doanh thu tăng lên đều nhờ vào việc tận dụng công nghệ, mạng xã hội để đưa sản phẩm ra thị trường.
Chị Nguyễn Thủy chia sẻ: Điểm hạn chế chung của chị em khởi nghiệp là khả năng giao tiếp, “ngại” tương tác trực tiếp trên môi trường mạng. “Cứ mạnh dạn bán hàng trực tiếp trên mạng, livestream giới thiệu sản phẩm online và chốt đơn hàng ngay trong ngay. Quyết tâm làm, hàng ngày rèn rũa kỹ năng nói trước hàng ngàn khách hàng đang xem trực tuyến khiến mình càng hoàn thiện và tự tin hơn”.
Tuy vậy, bán online cũng có nhiều rủi ro, đặc biệt là bị “bom” hàng, chốt đơn hàng trực tuyến đến khi ship hàng đến nhà thì họ lại từ chối không nhận nữa. Bên cạnh đó, rủi ro khi vận chuyển có thể làm vỡ các sản phẩm. Có lần chuyển hàng vào miền Nam 4 bức tranh gốm, tới nơi vỡ cả 4. “Năm đầu tiên kinh doanh online mình không hề có lãi. Đây là những bài học đắt giá ai khởi nghiệp cũng sẽ gặp phải thất bại; vẫn phải kiên trì, quyết tâm làm thì mới mong đến được đích. Để thành công trong kinh doanh online, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất để xây dựng và giữ gìn lòng tin của khách hàng”, chị Thủy bộc bạch.
Tại diễn đàn khởi nghiệp cho phụ nữ do Hội LHPN Hà Nội tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Viện trưởng Viện ứng dụng CNTT và truyền thông, chia sẻ: Muốn phát triển kinh doanh, phải kết nối cộng đồng. Chị em khởi nghiệp nên tham gia tất cả các mạng xã hội liên quan để kinh doanh, chia sẻ làm ăn, quảng bá thương hiệu sản phẩm; nắm bắt nhu cầu thị trường, thăm dò đánh giá, tìm kiếm thị trường, từ đó xây dựng thị trường xây dựng hình ảnh, phương thức phân phối, giá cả. Tuy nhiên, khi tham gia truyền thông, phải lựa chọn, xác định nguồn tin, kỹ năng phân tích… để thực hiện cuộc vận động tuyên truyền tốt hơn.
Để khởi nghiệp thành công cần xác định khách hàng mục tiêu, công chúng mục tiêu là ai; xây dựng hình ảnh, chứng minh được chất lượng sản phẩm của mình một cách gần gũi, thân thiện với khách hàng; quản lý hình ảnh truyền thông trên mạng để tạo thương hiệu bền vững; chú ý kết nối bạn bè trên mạng xã hội; lưu ý đến an ninh mạng; không vi phạm, ảnh hưởng văn hóa truyền thông. PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Viện trưởng Viện ứng dụng CNTT và truyền thông |