Tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

PV
02/02/2023 - 11:37
Tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Nguồn vốn tín dụng chính sách là "bệ đỡ" cho nhiều hộ nghèo, trong đó có hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đưa ra nhiều giải pháp thực hiện hoạt động ủy thác đối với các tổ chức Chính trị - xã hội trong năm 2023 nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất kinh doanh.

Với mục tiêu triển khai tốt các chương trình tín dụng, phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp, NHCSXH đã đưa ra những giải pháp cụ thể. Từ đó, cùng các tổ chức Chính trị - Xã hội, trong đó có Hội LHPN Việt Nam, đưa nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng, đúng mục đích, góp phần cùng cả nước sớm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Cụ thể:

- Tăng cường thực hiện công tác giám sát, phản biện chính sách; chủ động báo cáo với Đảng, Quốc hội, Chính phủ những đề xuất, kiến nghị của nhân dân về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín dụng chính sách xã hội.

- Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Động viên, khích lệ tinh thần chủ động, tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo để người nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn tiếp cận vốn tín dụng chính sách, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng vốn, hoàn trả vốn vay.

- Thực hiện tốt chức năng giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách  - Ảnh 1.

NHCSXH và các tổ chức Chính trị - Xã hội có sự phối hợp chặt chẽ để đưa nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng, đúng mục đích

- Chỉ đạo tổ chức Chính trị - Xã hội các cấp, đặc biệt cấp xã thực hiện tốt nội dung công việc ủy thác; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, hạn chế phát sinh; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trọng tâm là:

Phối hợp với UBND cấp xã, Trưởng thôn rà soát, lập danh sách, phân tích nhu cầu, điều kiện và khả năng sử dụng vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác làm cơ sở bình xét cho vay, đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng, phát huy hiệu quả vốn vay.

Thực hiện tốt việc quản lý, giám sát hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn trong việc bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ gốc, lãi và hướng dẫn các quy trình, thủ tục khi tham gia giao dịch tại các điểm giao dịch xã; tuyên truyền vận động tổ viên tích cực tham gia hoạt động tiền gửi tổ viên, thực hành tiết kiệm tạo nguồn tích lũy.

Quan tâm tới việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát, đảm bảo số lượng, chất lượng, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót tại cơ sở. Chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho cán bộ làm công tác ủy thác các cấp.

Tích cực phối hợp với NHCSXH cùng cấp để tập trung thực hiện các giải pháp liên quan đến hoạt động ủy thác, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách  - Ảnh 2.

Nguồn vốn tín dụng chính sách là "bệ đỡ" cho nhiều hộ nghèo, trong đó có hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế

Các hoạt động phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức Chính trị - Xã hội

- Tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp thực hiện Kế hoạch số 16/KH-HĐQT của Hội đồng quản trị NHSXH.

- Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, trong đó có các chính sách tín dụng mới thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, đảm bảo thường xuyên, liên tục, có chất lượng.

- Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác trên địa bàn với định hướng khuyến khích các tổ chức Chính trị - Xã hội cấp xã đều tham gia hoạt động ủy thác nhằm phát huy tiềm năng, tạo động lực thi đua giữa các đơn vị.

- Chỉ đạo các đơn vị theo ngành dọc tổ chức thực hiện tốt các nội dung ủy thác theo Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT ngày 28/12/2021; trong đó phối hợp triển khai chấm điểm đánh giá chất lượng hoạt động ủy thác và hoạt động kiểm tra, giám sát theo văn bản mới ban hành.

- Tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng: nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch xã, hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn; xử lý thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng; xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.

- Có giải pháp phù hợp của từng địa phương để tăng trưởng dư nợ cho địa bàn, Tổ Tiết kiệm và vay vốn có dư nợ thấp, gắn với kiện toàn các Tổ chưa liền canh, liền cư, dư nợ thấp, hoạt động yếu kém; kiện toàn dần Ban quản lý Tổ theo hướng lựa chọn những người có năng lực, biết cách làm ăn, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin; Trưởng thôn không kiêm Tổ trưởng Tiết kiệm và vay vốn; một người không kiêm nhiệm Tổ trưởng Tổ vay vốn của nhiều ngân hàng.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động ủy thác của cấp dưới, đặc biệt việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Chính trị - Xã hội cấp xã về quản lý, giám sát hoạt động Tổ Tiết kiệm và vay vốn trong bình xét cho vay, đôn đốc thu hồi nợ, tham gia giao dịch tại điểm giao dịch xã, kiểm tra sử dụng vốn vay, việc bình xét cho vay phải có sự phối hợp, rà soát giữa các Tổ Tiết kiệm và vay vốn trong cùng thôn. Xử lý dứt điểm các tồn tại, sai sót trong bình xét cho vay; kiên quyết thu hồi các trường hợp cho vay sai đối tượng; cho vay sai quy định dẫn đến tình trạng một hộ gia đình có nhiều người đứng tên vay vốn, vay tại nhiều Tổ đối với các chương trình cho vay thông qua hộ gia đình.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức Chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn. Kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả việc cho vay vốn với các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; tập trung vào các mô hình sản xuất theo dự án, chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm