pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tăng cường sự giám sát của phụ huynh để ngăn bữa ăn bán trú "lèo tèo"
Hà Nội tăng cường kiểm tra các bếp ăn nhà trường. Ảnh minh họa
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại trường học, Phòng yêu cầu các trường thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng của huyện tiến hành giám sát ATTP ở bếp ăn tập thể, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP.
Cùng với đó, Phòng hướng dẫn các trường nhận biết những nguy cơ gây ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm; thực hiện chế độ kiểm tra 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế.
Các trường kiên quyết "nói không" với thực phẩm đông lạnh, không bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, các nhà trường phải tự giám sát, phối hợp giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế, chế biến, nấu, chia suất tại các bếp ăn tập thể trường học.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết: "Để đảm bảo ATTP năm học mới 2024 - 2025, Hà Nội đã có kế hoạch "Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn". Từ giữa tháng 8/2024, nhiều quận, huyện, xã, phường trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu ra quân, tập trung kiểm tra từ các trường mầm non trở lên".
Hiện Hà Nội có hơn 1.000 bếp ăn tập thể trường học. Qua khảo sát, đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị...
Tuy nhiên, một số bếp ăn có diện tích khu sơ chế và chế biến chật hẹp; chưa vận hành theo nguyên tắc 1 chiều; kho bảo quản thực phẩm còn sắp xếp lộn xộn, chưa có lưới chắn côn trùng; nhân viên tham gia chế biến chưa chấp hành đầy đủ chế độ vệ sinh cá nhân theo quy định…
Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể có nơi chưa được triển khai thường xuyên và đến tận cơ sở nuôi trồng, giết mổ.
Cần thành lập Ban giám sát của phụ huynh
Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây úng ngập nhiều nơi dẫn tới tình trạng tăng giá, khan hiếm thực phẩm, đặc biệt là rau xanh. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới suất ăn bán trú của học sinh.
Chị Nguyễn Ánh Hồng, phụ huynh trường tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đây là một trong những vấn đề được nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm khi các con đến trường trong những ngày này.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết, Phòng đã chỉ đạo gấp tới các trường tăng cường giám sát, phối hợp với các đơn vị cung cấp thực phẩm bếp ăn bán trú để đảm bảo dinh dưỡng, ATTP trong thời điểm nhiều khó khăn hiện nay.
"Mặc dù chưa có quy định nào bằng văn bản nhưng tại quận Hà Đông, chúng tôi thống nhất áp dụng việc thành lập Ban giám sát của phụ huynh học sinh để phối hợp với nhà trường kiểm tra thực phẩm đầu vào cũng như quá trình chế biến, chia suất ăn. Có thể nói đây là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho ngành giáo dục khi nhà trường còn phải hoàn thành nhiều hoạt động giảng dạy", bà Lệ Hằng khẳng định.
Thực tế cho thấy, nếu có sự giám sát thường xuyên của phụ huynh, các cơ quan quản lý cũng sẽ sớm phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm trong đảm bảo an toàn, dinh dưỡng bữa ăn bán trú.
Tại quận Hà Đông, ngay đầu năm học 2023-2024, Phòng GD-ĐT quận đã nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh Trường THCS Yên Nghĩa về "món ăn lèo tèo" trong suất ăn bán trú và tổ chức kiểm tra, nhắc nhở nhà trường.
Theo đó, Ban giám hiệu nhà trường đã nhận lỗi thiếu sót trong việc giám sát khâu chia khẩu phần ăn, đồng thời tạm dừng cung cấp bữa ăn bán trú để tổ chức điều chỉnh lại quy trình trường phối hợp với phụ huynh kiểm tra, theo dõi nhận thực phẩm theo quy trình cụ thể, đảm bảo không xảy ra lại tình trạng như phụ huynh phản ánh.
Tuy nhiên, với mô hình liên kết với đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học, việc kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm trong thực tế vẫn còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe học sinh.
Trong khi đó, không phải phụ huynh nào cũng được phổ biến rõ về trách nhiệm, quyền lợi trong việc tham gia trực tiếp với nhà trường để thẩm định nguồn gốc thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn trước khi quyết định đơn vị cung cấp.
Đây là vấn đề mà phụ huynh học sinh cần nắm rõ và phân công trách nhiệm tới đại diện ban cha mẹ học sinh lớp và trường, cùng nhà trường đưa ra quy trình giám sát cụ thể ngay từ đầu năm học mới.
"Chúng tôi mong muốn có sự minh bạch hơn trong việc lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp bữa ăn học đường, để đảm bảo rằng con em chúng tôi được sử dụng thực phẩm an toàn và dinh dưỡng", chị Hoàng Minh Lan, phụ huynh học sinh trường tiểu học Đống Đa (Hà Nội), bày tỏ.