Tăng tốc xét nghiệm, không để lây chéo trong khu cách ly và lây ra cộng đồng

CP
18/05/2021 - 19:42
Tăng tốc xét nghiệm, không để lây chéo trong khu cách ly và lây ra cộng đồng

Lực lượng y, bác sỹ Bệnh viện Quân y 110 tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với nhân dân xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: TTXVN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát tốt ở các khu cách ly tập trung, kết hợp tăng tốc xét nghiệm, tuyệt đối không để lây chéo; rút kinh nghiệm, xây dựng sổ tay phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp (KCN).

Thông báo 111/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia với UBND tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nêu rõ: Các ổ dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh là ổ dịch rất phức tạp, người lao động đặc biệt ở KCN, làm việc trong phòng lạnh, khép kín cộng với biến thể mới của virus lây lan nhanh, các cá nhân chưa thực hiện nghiêm 5K.

Tăng tốc xét nghiệm, không để lây chéo trong khu cách ly và lây ra cộng đồng - Ảnh 1.

Sáng 18/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với Bộ Y tế và tỉnh Bắc Giang về công tác phòng chống dịch bệnh.

Khi dịch bùng phát tại các KCN của Bắc Ninh và Bắc Giang, các bộ, ngành, đơn vị, các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đã khẩn trương chi viện, điều phối lực lượng tối ưu để hỗ trợ 02 tỉnh, từ sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, tập huấn, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị, … để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp chưa bảo đảm an toàn COVID-19 trong lao động, sản xuất, khi phát hiện ca nhiễm việc xử lý, quản lý, khoanh vùng, giám sát trong khu cách ly chưa được chặt chẽ, nên tốc độ kiểm soát dịch chậm hơn dự kiến.

Tăng tốc xét nghiệm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải tăng tốc xét nghiệm: tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ công nhân ở KCN có nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các khu vực tập trung nhiều nhà trọ của công nhân, xét nghiệm sàng lọc sớm để có các giải pháp chuẩn bị phòng, chống dịch cần thiết.

Bộ Y tế thành lập nhóm chuyên gia hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt là Bắc Giang thực hiện kết hợp các loại xét nghiệm trong từng tình huống khác nhau (tương tự như cơ chế hoạt động của nhóm chuyên gia hỗ trợ điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng cho các bệnh viện cả nước).

Phó Thủ tướng đồng ý nguyên tắc việc Bộ Y tế khẩn trương mua sắm một số xe xét nghiệm lưu động theo thẩm quyền, đúng quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với y tế quân đội, công an tập huấn, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng dự phòng (nhân lực, thiết bị, vật tư, sinh phẩm, hóa chất…) khẩn trương chi viện kịp thời cho tình huống cần lấy mẫu gấp trong thời gian ngắn, nhất là tại KCN, với phương châm "Địa bàn nào cần hỗ trợ, nhất là cácKCN, lực lượng này lên đường chi viện ngay".

Công bố đường dây nóng tiếp nhận khai báo y tế kịp thời

Về hỗ trợ khai báo y tế thông qua đường dây nóng, Phó Thủ tướng yêu cầu việc khai báo y tế đã có quy định, được triển khai thực hiện ngay từ khi bắt đầu có dịch, với những người đi, đến trong vùng dịch, người vào bệnh viện, hành khách trên các chuyến bay, các đối tượng F2, F3.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện không nhất quán; việc khai báo y tế điện tử còn phức tạp; không có hệ thống kết nối liên thông, quản lý dữ liệu đã khai báo y tế; phải khai báo nhiều lần. Dẫn đến tình trạng một số người, dù không cố tình trốn tránh khai báo y tế, nhưng vì một hay nhiều lý do nêu trên, đã không hoàn thành trách nhiệm hết sức cần thiết của mình, gây ra hậu quả rất đáng tiếc, làm lây lan dịch trong cộng đồng.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng, Tổ thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia thiết lập, công bố số điện thoại đường dây nóng; đồng thời, tổ chức lực lượng tình nguyện viên kết hợp điện thoại viên để tiếp nhận, người dân khai báo y tế một cách kịp thời, miễn phí, không để ách tắc.

Các bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giao thông và vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thiện các công cụ liên thông dữ liệu; bảo đảm thuận lợi nhất khi cần cập nhật, bổ sung thông tin đã khai báo y tế.

Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các tỉnh (trước hết Bắc Giang, Bắc Ninh) bổ sung các đối tượng cần thiết khai báo y tế (như công nhân KCN) đảm bảo yêu cầu chống dịch.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu đảm bảo an toàn, không lộ lọt, chỉ sử dụng phục vụ mục đích phòng chống dịch.     

Tăng tốc xét nghiệm, không để lây chéo trong khu cách ly và lây ra cộng đồng - Ảnh 2.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly và lây ra cộng đồng

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia đặc biệt lưu ý các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát tốt ở các khu cách ly tập trung, kết hợp tăng tốc xét nghiệm, tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng. Khi sử dụng các khu ký túc xá làm khu cách ly tập trung cần có hệ thống camera giám sát, bảo đảm an toàn.

Theo dõi sát tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt lưu ý các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, tiên lượng sớm, kịp thời chuyển lên tuyến trên.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phân công từng thành viên là Lãnh đạo các bộ, ngành theo dõi các địa bàn; giao Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chịu trách nhiệm điều phối lực lượng tối ưu tại Bắc Giang; đúc rút kinh nghiệm, xây dựng sổ tay phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.

Phải luôn "trực chiến" chống dịch Covid-19

Tại Thông báo số 110/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu cả hệ thống, đặc biệt là cơ quan chức năng ở địa phương phải luôn trong tình trạng "trực chiến". Khi phát hiện ca chỉ điểm là ra quân nhanh nhất, khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể.

Thông báo nêu rõ, các lực lượng địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Đến nay các ổ dịch ở Hà Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tốc độ kiểm soát dịch tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang còn chậm. Nguy cơ vẫn còn rất cao, đặc biệt liên quan tới các khu công nghiệp. Do vậy, cần tăng cường mạnh mẽ công tác chống dịch, đặc biệt cần tăng cường xét nghiệm sàng lọc nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời.

Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn xét nghiệm đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí; tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ hai tỉnh tăng tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để trong vài ngày tới kiểm soát được dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia đánh giá cao việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương hỗ trợ, chi viện Bắc Giang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.

Thông báo cũng nêu rõ, trong cộng đồng đã có mầm bệnh, dịch có thể bùng phát ở bất kỳ địa phương nào, lây lan nhanh trong cộng đồng. Cả hệ thống, đặc biệt là cơ quan chức năng ở địa phương phải luôn trong tình trạng "trực chiến". Khi phát hiện ca chỉ điểm là ra quân nhanh nhất, khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể. Đồng thời tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm 5K đối với cá nhân, an toàn COVID-19 đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tổ chức ngay nhóm chuyên gia hỗ trợ cho các địa phương có dịch, đặc biệt tổ chức xét nghiệm tương tự như đã thực hiện đối với công tác điều trị.

Tổ phân tích thông tin của Ban Chỉ đạo tăng cường hoạt động của tình nguyện viên hỗ trợ thông tin quản lý các trường hợp F2, F3 và việc khai báo y tế.

Các địa phương không "ngăn sông, cấm chợ", gây ách tắc lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân; tăng cường kiểm soát chuyên gia, kỹ sư, công nhân, người lao động,… đang làm việc ở vùng có dịch nhưng cư trú ở địa phương khác.

Tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang gửi danh sách kỹ sư, công nhân, người lao động cư trú ở tỉnh khác để tăng cường công tác quản lý, thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp, tần suất xét nghiệm phù hợp, bảo đảm an toàn cả nơi sản xuất và nơi cư trú.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm