pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ hoàn tất tiêm vaccine Covid-19 miễn phí cho toàn bộ dân
Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Vĩnh Phúc
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Vĩnh Phúc đã chủ động chuyển hướng phòng, chống dịch từ "điều tra, truy vết, xét nghiệm" sang "thần tốc truy vết, bao vây, khoanh vùng, đón đầu và đánh chặn" và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 lây lan trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngay từ khi dịch bùng phát trên địa bàn, từ ngày 1/5, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quyết liệt, chủ động thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cho biết, sau hơn 10 ngày dồn lực chống dịch, Tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan song song với nhiệm vụ chống dịch phải khẩn trương xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách nhằm mang lại lợi ích cụ thể nhất cho người dân trên địa bàn.
Nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 16/5 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có phiên họp bất thường, quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng trong công tác hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, tỉnh sẽ sử dụng ngân sách cấp tỉnh để hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế bắt buộc tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly y tế tập trung với mức 80.000 đồng/người/ngày (quy định này không bao gồm người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo); hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các trường hợp theo tiêu chuẩn, tiêu chí của UBND tỉnh về tổ chức xét nghiệm cho các đối tượng mở rộng có nguy cơ lây nhiễm, tầm soát theo diện rộng trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành chính sách hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2022.
Theo đó, mọi người độ tuổi từ 18 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú hơn sáu tháng trên địa bàn tỉnh sẽ được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 miễn phí. Kinh phí từ nguồn ngân sách cấp tỉnh và nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác. Ước tính số tiền chi cho hoạt động này khoảng 342 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan giải thích, các chính sách hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhằm thực hiện chủ trương, quan điểm người dân trong tỉnh phải được thụ hưởng những thành quả từ sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách "lấy người dân làm trung tâm" của Vĩnh Phúc thể hiện quan điểm rất nhân văn, phù hợp thực tiễn địa phương, tình hình dịch bệnh hiện nay. Từ chính sách này, người dân sẽ tin tưởng sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và tích cực hợp tác chống dịch.
Mặc dù tỉnh mới vận động quyên góp, ủng hộ công tác chống dịch nhưng đến nay, đã có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ hàng chục tỷ đồng cùng nhiều máy móc, thiết bị, vật tư y tế. Việc người dân ý thức được trách nhiệm của mình đối với phòng, chống dịch bệnh, tự giác phòng ngừa là vấn đề tiên quyết để chống dịch thành công.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị sẽ lựa chọn các đối tượng ưu tiên theo quy định trên cơ sở nguồn vắc xin được phân bổ. Hiện Bộ Y tế đang là cơ quan đầu mối nhập vaccine. Với điều kiện khan hiếm vaccine hiện nay, tỉnh cũng khó đưa ra thời điểm hoàn tất. Hơn nữa, nếu Việt Nam tự sản xuất được vaccine thì tiến độ sẽ nhanh hơn. Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết 2022 sẽ cố gắng hoàn tất việc tiêm vaccine miễn phí cho người dân trong tỉnh.
Với quan điểm chỉ đạo là không "chạy theo" tình hình dịch bệnh mà chủ động khoanh vùng, bao vậy, đánh chặn dịch, Vĩnh Phúc nỗ lực và quyết tâm khống chế, dập dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định.