Tạo dựng thương hiệu cho nghệ nếp đỏ

PV
13/12/2023 - 11:11
Tạo dựng thương hiệu cho nghệ nếp đỏ

Chị Đỗ Thị Sen, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên. Ảnh: Tuấn Dũng

Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để chế biến các sản phẩm cao cấp từ củ nghệ, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên không chỉ tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp mà còn mở ra hướng sản xuất mới, tạo việc giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập.

Xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên được biết đến là vùng trồng nghệ tập trung lớn nhất đồng bằng sông Hồng. Cây nghệ nếp đỏ (thuộc họ nghệ vàng) đã gắn bó với người dân trong xã khoảng hơn 50 năm qua và được các nhà khoa học đánh giá có hàm lượng curcumin cao nhất. Nhưng như bao loại nông sản khác, "được mùa rớt giá" vẫn luôn là nỗi lo của người nông dân địa phương.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, tại một vùng nguyên liệu trồng nghệ tới 400ha, chị Đỗ Thị Sen thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nông dân khi củ nghệ tươi được bán ra thị trường với mức giá vô cùng rẻ. Từ đó, chị ấp ủ mong muốn làm ra sản phẩm cao cấp, giá trị hơn từ củ nghệ tươi.

Tạo dựng thương hiệu cho nghệ nếp đỏ - Ảnh 1.

Khu vực trồng nghệ nếp đỏ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên

Hành trình của chị Đỗ Thị Sen bắt đầu từ Học viện Nông nghiệp 1, rồi đến Viện hóa học Hợp chất thiên nhiên để tìm hiểu, nghiên cứu về hoạt chất quý từ củ nghệ. Với sự đồng hành của các nhà khoa học, chị đã có thêm kiến thức trồng và sản xuất để củ nghệ có chất lượng từ đầu vào đến đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chị Đỗ Thị Sen tâm sự: "Không chỉ trồng nông sản, bán ra thu mua, lấy tiền, tôi còn chia sẻ kiến thức và tập huấn cho bà con nông dân. Chúng tôi cùng chung tay làm giàu trên mảnh đất quê hương mình". Năm 2011, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên được thành lập. Giữ vị trí Phó giám đốc công ty, chị Đỗ Thị Sen đã góp sức để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe từ nghệ đỏ.

Nâng cao chất lượng cho sản phẩm Việt

Chị Sen cho biết: Nghệ bắt đầu được trồng vào tháng giêng âm lịch, đến tháng 11 âm lịch lá cây vàng, thân cây ngả xuống là thời điểm bắt đầu thu hoạch. Những củ tươi, đạt chất lượng nhất sẽ được công ty chế biến thành tinh bột nghệ. Quy trình chế biến tinh bột nghệ phải qua các bước khá cầu kỳ: cho nghệ vào máy rửa sạch, xay nhuyễn, cho vào máy ép, giữ nước, bỏ bã, tách bỏ hoàn toàn tinh dầu, tách tinh bột ra khỏi nước, sấy khô bằng điều hòa. Sau đó là xay mịn, đóng gói. 

Tất cả các khâu trong toàn bộ quá trình sản xuất đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng, sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận OCOP. Ngoài tinh bột nghệ, công ty còn cung cấp nghệ tươi, nghệ thái lát sấy khô, nghệ khô nguyên củ, bột nghệ, viên nghệ, sữa nghệ, Nano Curcumin...

Tạo dựng thương hiệu cho nghệ nếp đỏ - Ảnh 2.

Các sản phẩm từ nghệ nếp đỏ

"Điểm khác biệt trong các sản phẩm của chúng tôi là được sản xuất trên hệ thống dây chuyền và thiết bị hiện đại với yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Với công nghệ sản xuất hiện đại được chuyển giao từ Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, tinh bột nghệ Hoàng Minh Châu Hưng Yên giữ được gần như toàn bộ curcumin và artumerone có trong nghệ, do vậy có hàm lượng hai hoạt chất này cao gấp nhiều lần so với các sản phẩm tinh bột nghệ thủ công thông thường", chị Sen chia sẻ thêm.

Tạo dựng thương hiệu cho nghệ nếp đỏ - Ảnh 3.

Sản phẩm được sản xuất trên hệ thống dây chuyền và thiết bị hiện đại với yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ một loại củ gia vị quen thuộc của làng quê, qua những sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ, chị Đỗ Thị Sen và đội ngũ của mình đã góp sức vào quá trình phát triển nông sản, dược liệu Việt, tạo dựng nên các sản phẩm mang niềm tự hào của người Việt chinh phục thị trường. 


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm