Tảo hôn và hôn nhân cận huyết tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội

Bài và ảnh: An Khê
02/10/2023 - 20:16
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội

Ảnh minh họa

Tình hình các vấn đề về xã hội ở nước ta đang được cải thiện mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.

Luật sư Vũ Thị Thu Hường - Luật sư điều hành công ty Luật TNHH E&D cho biết, hiện nay, ở những nơi khó tiếp cận thông tin, kinh tế khó khăn và còn duy trì các hủ tục lạc hậu như các vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

Còn tồn tại hủ tục lạc hậu thì còn nhiều khó khăn cho phát triển vùng dân tộc miền núi - Ảnh 1.

Luật sư Vũ Thị Thu Hường - Luật sư điều hành công ty Luật TNHH E&D

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại các địa phương này đang là trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phụ nữ và trẻ em vẫn là các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ đơn thuần là hủ tục kém văn minh, đi ngược với thuần phong mỹ tục của Việt Nam mà còn là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, khó lường cho cá nhân, gia đình, xã hội và thế hệ tương lai. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là lực cản đối với chính sách xóa đói giảm nghèo, sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của đất nước, nhất định phải bài trừ.

Xử lý hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Luật Hôn nhân và gia đình nghiêm cấm hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

- Theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điều 58); hành vi cưỡng ép kết hôn hôn nhân cận huyết bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (khoản 2 Điều 59).

- Bộ luật hình sự hiện hành cũng quy định truy cứu trách nhiệm hình sự Tội tổ chức tảo hôn (Điều 183) với mức hình phạt cao nhất lên đến 2 năm tù; Tội cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ (Điều 181) với mức hình phạt cao nhất lên đến 3 năm tù- Luật sư Vũ Thị Thu Hường thông tin.

Định nghĩa tảo hôn và hôn nhân cân huyết

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tảo hôn và hôn nhân cận huyết được giải thích như sau:

- Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Theo quy định hiện hành, độ tuổi đủ điều kiện kết hôn đối với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên, đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên.

- Hôn nhân cận huyết được hiểu là hôn nhân xảy ra giữa hai người cùng chung dòng máu trực hệ của một gia đình hoặc gia tộc, tức là cuộc hôn nhân giữa những người cùng chung dòng máu trong phạm vi ba đời. Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Hệ lụy của hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Ngoài việc bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, khó lường về kinh tế và xã hội.

- Hệ lụy của tảo hôn: Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm, sinh lý nhất là các em gái. Khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm khi còn thiếu kiến thức sẽ không đảm bảo được vai trò làm mẹ, khủng hoảng về tâm lý, ảnh hưởng tới quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và nhiều di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe mẹ và con, trẻ sinh ra nhẹ cân, còi cọc, suy dinh dưỡng… Nhiều trường họp do bị bắt ép tảo hôn, hai bên không được tìm hiểu, sinh buồn chán, bế tắc dẫn đến tiêu cực, ly hôn, ly thân, bỏ đi khỏi địa phương, sa vào tệ nạn xã hội, có trường hợp tìm cái chết. Mặt khác, việc tảo hôn ảnh hưởng đến việc duy trì điều kiện học tập, tìm kiếm các cơ hội việc làm tạo ra thu nhập ổn định, là nguyên nhân của đói, nghèo, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội - Luật sư chia sẻ.

- Hệ lụy của hôn nhân cận huyết: Hệ lụy nguy hiểm nhất của hôn nhân cận huyết là về các vấn đề sức khỏe sinh sản, duy trì nòi giống, sau cùng là vấn đề an sinh xã hội. Đối với các trường hợp hôn nhân cận huyết, con sinh ra hay mắc các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe và tử vong sơ sinh cao hơn trẻ em bình thường khác, nguy cơ cho mẹ từ khi mang thai đến khi sinh đẻ… Từ đó, đứa trẻ được sinh ra có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội về cả kinh tế và tâm lý. Khi có đứa trẻ sinh ra bị dị tật hoặc phát triển không bình thường thì cha, mẹ, họ hàng đều chung tâm trạng ái ngại, buồn chán, tốn kém trong nuôi dưỡng, chăm sóc và chữa trị mà không mang lại tương lai gì tốt đẹp, không duy trì được giống nòi, bản thân trẻ sinh ra không được bình thường luôn có tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong hòa nhập với cộng đồng.

Với các hệ lụy như vậy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang diễn biến như một loại tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh xã hội như chất lượng nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em và là trở lực đối với sự phát triển tiến bộ xã hội.

Trong những năm qua, đấu tranh bài trừ tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Nhằm thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025" theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015. Tại các địa phương cũng đang tích cực triển khai các giải pháp, quyết liệt tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Phòng chống, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết cần sự chung tay của hệ thống chính quyền và toàn dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành vi trong hôn nhân, đặc biệt là tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản, tạo đà phát triển bền vững kinh tế - xã hội.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm