Tảo hôn và vòng luẩn quẩn nghèo đói, tổn thương

Trường Lê (thực hiện)
28/07/2025 - 15:36
Tảo hôn và vòng luẩn quẩn nghèo đói, tổn thương

Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: N.T

Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam thực hiện phỏng vấn Tiến sĩ Trương Thị Yến, Khoa Xã hội học và Công tác xã hội - Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, về những ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng tảo hôn tới trẻ em gái dân tộc thiểu số, qua nghiên cứu thực tế tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (cũ).

PV: Thưa Tiến sĩ Trương Thị Yến, qua nghiên cứu thực địa tại huyện Hướng Hóa (cũ), bà nhận thấy thực trạng tảo hôn ở trẻ em gái dân tộc thiểu số nơi đây đang diễn ra như thế nào?

TS. Trương Thị Yến: Qua khảo sát thực tế tại ba xã có tỷ lệ tảo hôn cao gồm Lìa, Thanh và Thuận thuộc huyện Hướng Hóa (cũ) nay đã sáp nhập thành xã Lìa, chúng tôi nhận thấy tình trạng tảo hôn vẫn đang là vấn đề nhức nhối và phổ biến. 

Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tuổi kết hôn tối thiểu là 18 với nữ và 20 với nam, nhưng nhiều em gái Pa Kô và Vân Kiều vẫn "lấy chồng" khi mới 14-16 tuổi, thậm chí có trường hợp dưới 14 tuổi.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện ghi nhận 814 cặp tảo hôn, chiếm tỷ lệ dao động từ 16,6% đến 30,27% tùy từng năm. Điều đáng nói là hiện tượng này không những không giảm mà còn tăng ở một số thời điểm, chủ yếu rơi vào các gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế và bị chi phối bởi những hủ tục, quan niệm cũ kỹ.

PV: Vậy tình trạng tảo hôn đã tác động đến cuộc sống và sự phát triển của các em gái dân tộc thiểu số ra sao, thưa bà?

TS. Trương Thị Yến: Tảo hôn gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho các em gái dân tộc thiểu số trên nhiều phương diện. Trước hết là việc mất cơ hội học tập và phát triển cá nhân. Hầu hết các em phải bỏ học ngay khi lấy chồng, đặc biệt khi mang thai và sinh con. Việc quay lại trường học gần như là điều bất khả thi bởi nhiều rào cản từ gia đình, cộng đồng và chính bản thân các em.

Tảo hôn và vòng luẩn quẩn nghèo đói, tổn thương- Ảnh 1.

Tiến sĩ Trương Thị Yến

Chúng tôi đã phỏng vấn trực tiếp các em gái từng tảo hôn và nhận thấy sự cam chịu, mặc cảm, thu mình khỏi cộng đồng. Các em không dám tham gia sinh hoạt đoàn thể hay các lớp học phổ cập vì tự ti và chịu nhiều định kiến. 

Có em từng nói: "Giờ em có con rồi thì không đi nữa. Ở đó toàn mấy bạn chưa có vợ chồng nên còn vui vẻ nói chuyện chứ em có chồng có con rồi thì đến đó không biết nói gì, em cũng ngại khi em đến đó sinh hoạt với mọi người lắm".

Hệ lụy tiếp theo là suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Các em phải mang thai, sinh con ở độ tuổi chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần nên gặp hàng loạt vấn đề như sẩy thai, thiếu dinh dưỡng, trầm cảm, nhiễm trùng sau sinh, thậm chí có em sinh liên tiếp hai con chỉ trong hai năm khi mới 16-17 tuổi. Hậu quả là những đứa trẻ sinh ra cũng yếu ớt, bệnh tật hoặc tử vong.

Chưa kể, các em gái tảo hôn còn dễ đối mặt với bạo lực gia đình. Do vợ chồng đều còn quá trẻ, thiếu kỹ năng sống và không có khả năng giải quyết mâu thuẫn, nên các cặp vợ chồng trẻ thường xảy ra xung đột. 

Người vợ - vốn yếu thế và không được học hành - dễ trở thành đối tượng bị chồng bạo hành, hoặc bị mẹ chồng áp đặt, gây nên những tổn thương tinh thần kéo dài.

PV: Với vai trò là nhà nghiên cứu công tác xã hội, bà đánh giá nguyên nhân sâu xa nào khiến tình trạng tảo hôn vẫn dai dẳng và khó kiểm soát tại địa phương này?

TS. Trương Thị Yến: Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn tại huyện Hướng Hóa (cũ) và các vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ là rất đa chiều. Thứ nhất là yếu tố văn hóa - phong tục tập quán truyền thống. 

Trong cộng đồng Pa Kô, Vân Kiều, việc con gái đến tuổi 14-16 lấy chồng sớm để "an cư" và giúp cha mẹ giảm bớt gánh nặng kinh tế vẫn được coi là chuyện bình thường.

Tảo hôn và vòng luẩn quẩn nghèo đói, tổn thương- Ảnh 2.

Tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị từng bước được đẩy lùi. Ảnh Đại đoàn kết

Thứ hai là do kinh tế hộ gia đình khó khăn. Gia đình nghèo thường chọn cách gả con gái đi sớm để bớt một miệng ăn và nhận được chút hồi môn hoặc nhân lực cho lao động sản xuất. Khi không có tiền cho con tiếp tục học tập, các bậc phụ huynh cũng không thấy việc tảo hôn là vấn đề.

Thứ ba là do thiếu thông tin, nhận thức về quyền trẻ em, bình đẳng giới và hậu quả của tảo hôn. Nhiều em gái không được tiếp cận với giáo dục giới tính, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe sinh sản. 

Cộng thêm sự hạn chế trong dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý tại địa phương, khiến các em bị đẩy vào hoàn cảnh hôn nhân sớm mà không có lựa chọn.

Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật và can thiệp xã hội vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc thù văn hóa cộng đồng nên hiệu quả còn hạn chế.

PV: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực tế, bà có thể đề xuất những giải pháp khả thi để giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số?

TS. Trương Thị Yến: Từ góc độ thực hành công tác xã hội, tôi cho rằng cần triển khai đồng bộ hai nhóm giải pháp.

Thứ nhất là can thiệp cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức và hành vi. Cụ thể, tổ chức các buổi tuyên truyền chuyên đề tại các thôn bản về hậu quả của tảo hôn đối với sức khỏe, tương lai trẻ em gái. 

Tảo hôn và vòng luẩn quẩn nghèo đói, tổn thương- Ảnh 3.

Cán bộ cơ sở ở huyện Hướng Hóa (cũ) về tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân ngăn ngừa nạn tảo hôn. Ảnh: baoquangtri.vn

Xây dựng các lớp giáo dục giới tính, quyền trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại cộng đồng. Đồng thời, phát triển các dự án sinh kế tại chỗ để giúp hộ gia đình tăng thu nhập, giảm áp lực kinh tế, từ đó không còn lý do bắt con gái bỏ học lấy chồng sớm.

Ngoài ra, cần huy động sự tham gia của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng chính quyền địa phương vào công tác phòng ngừa tảo hôn. Họ chính là "người giữ luật tục" và tiếng nói có trọng lượng, nếu biết vận động sẽ rất hiệu quả.

Thứ hai là thực nghiệm các mô hình công tác xã hội cá nhân và nhóm. Chẳng hạn, thiết lập các dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí cho trẻ em gái tảo hôn và gia đình, thành lập nhóm nòng cốt gồm phụ nữ, thanh niên để hỗ trợ các em. 

Khi tham gia nhóm, các em gái tảo hôn có cơ hội chia sẻ, học hỏi và nhận được sự trợ giúp kịp thời từ cộng đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức các mô hình câu lạc bộ, câu lạc bộ kỹ năng sống, nhóm giáo dục đồng đẳng cũng rất hữu ích. Thông qua đó, các em sẽ được tiếp cận thông tin, kỹ năng mềm và tăng cường khả năng tự bảo vệ mình.

Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo nhân viên công tác xã hội cấp xã, cán bộ hội phụ nữ, cán bộ y tế thôn bản về kỹ năng làm việc với trẻ em gái dân tộc thiểu số, xử lý các vấn đề tâm lý -xã hội của nạn nhân tảo hôn, để hệ thống hỗ trợ cơ sở thực sự hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm