Tạo ra lợi ích kép từ sản phẩm truyền thống của quê hương

Phạm Thị Ngọc Minh (Văn phòng TƯ Hội LHPN Việt Nam)
10/10/2020 - 09:47
Tạo ra lợi ích kép từ sản phẩm truyền thống của quê hương

Chị Tẩn Thị Giả (phải) tại Hội nghị Điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước của Hội giai đoạn 2015-2020 do Hội LHPN tỉnh Lào Cai tổ chức

Chị em trong nhóm Sở thích Sáp ong - Thổ cẩm ở xã Lao Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đã "thổi hồn" cho sản phẩm truyền thống quê hương, mang lại lợi ích kép không chỉ cho gia đình mà cả cộng đồng. Người khơi nguồn và thực hiện thành công ý tưởng đó là chị Tẩn Thị Giả, Trưởng nhóm.

Sinh ra và lớn lên ở địa điểm du lịch nổi tiếng, nơi còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu thích, ghé thăm. Tuy được thiên nhiên ưu đãi nhưng đời sống của đa phần người dân ở Sa Pa bao đời vẫn gắn bó với nương rẫy, cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Trong guồng quay của nền kinh tế thị trường và du lịch công nghệ ngày càng phát triển, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang có xu hướng bị thương mại hóa và mai một thì không ít phụ nữ dân tộc thiểu số đã và đang tự tin bước những bước đầu tiên trong chặng đường khởi nghiệp từ các giá trị văn hóa truyền thống. Chị Tẩn Thị Giả, Trưởng nhóm Sở thích Sáp ong - Thổ Cẩm ở xã Lao Chải là một tấm gương khởi nghiệp như vậy.

Với mong muốn giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ tại địa phương, đồng thời tham gia phát triển du lịch cộng đồng, năm 2008, nhóm Sở thích Sáp ong - Thổ cẩm được thành lập với 6 thành viên, trong đó có 5 thành viên là hội viên nghèo. Nhóm chuyên sản xuất các sản phẩm: Vẽ sáp ong - trồng và dệt lanh - thêu thổ cẩm bán cho khách du lịch.

Những năm đầu, các sản phẩm của nhóm làm ra rất thô sơ, không có thiết kế, ít sản phẩm phục vụ du khách. Được chị em tin yêu bầu là trưởng nhóm, chị Giả đã luôn trăn trở học hỏi, tìm kiếm thị trường để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Qua thời gian tích lũy kinh nghiệm, hoạt động của nhóm đã có những chuyển biến tích cực. Hiệu quả rõ rệt nhất là chị em trong nhóm giờ có công ăn việc làm với thu nhập ổn định, không phải rong ruổi, đeo bám khách du lịch khắp các nẻo đường bán hàng như trước.

Đến nay, nhóm đã có 15 thành viên, thu nhập của nhóm bình quân từ 45 đến 60 triệu đồng/tháng. Từ đó giúp mỗi thành viên tham gia có mức thu nhập ổn định hàng tháng từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng. Bước đầu có những chị vươn lên thoát nghèo và tiếp tục giúp các thành viên khác trong nhóm cùng thoát nghèo bền vững.

Tạo ra lợi ích kép từ sản phẩm truyền thống của quê hương - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Mela

Chịu khó, ham học hỏi; tranh thủ sự giúp đỡ của Hội, của các tổ chức, cá nhân tìm đầu ra cho sản phẩm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em dân tộc về lợi ích kép của sản phẩm: Vừa mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để phát triển bền vững.

Kinh nghiệm khởi nghiệp thành công của chị Tẩn Thị Giả

Năm 2019, chị Tẩn Thị Giả đại diện cho nhóm tham gia thi ý tưởng tại Ngày phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh và vinh dự là 1 trong 3 ý tưởng kinh doanh xuất sắc được lựa chọn để tham gia dự thi Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương năm 2020.

Gặp chị Giả tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến của Hội LHPN tỉnh Lào Cai, dáng người thấp đậm, nhanh nhẹn, nước da ngăm đen, nụ cười luôn nở trên môi, chị chia sẻ: "Nhớ lại những ngày đầu thành lập nhóm, khó khăn nhiều lắm, sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, không bán được nhiều, mình trăn trở lắm. Thế rồi được sự tin tưởng của các chị em hội viên, sự ủng hộ của Hội LHPN tỉnh và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng CSIP hỗ trợ cho mình đi tập huấn kiến thức về quản lý nhóm, cách thức tổ chức sản xuất, trưng bày sản phẩm, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ kinh phí để sửa chữa cửa hàng bán hàng - mà cửa hàng hiện nay vẫn đặt tại nhà của mình đấy. Mình vui nhất là khi mình chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp từ dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong được chị em trong thôn hưởng ứng rất nhiệt tình. Bởi lẽ, công việc này không chỉ giúp chị em tăng thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhóm đang hoạt động ổn định, bước đầu có thu nhập thì dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch ít hơn, thu nhập của chị em có giảm sút. Thế nhưng, mọi người đều tin tưởng, động viên nhau cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị sau dịch bệnh du khách quay trở lại thì có sẵn hàng để bán, thu nhập tăng thêm, đời sống sẽ từng bước được cải thiện".

Tham gia công tác Hội từ năm 2004, không ngừng nỗ lực và học hỏi, đến nay chị Giả đã được nhận nhiệm vụ mới là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Lao Chải. Với cương vị mới, chị vẫn luôn đồng hành, quan tâm, ủng hô, tạo điều kiện để tổ chức Hội của địa phương hoạt động hiệu quả hơn. Với vai trò là Trưởng nhóm, chị lại khát khao mong muốn cho Nhóm của mình ngày càng phát triển hơn, ấp ủ thành lập tổ hợp tác, rồi hợp tác xã để xây dựng nhãn hiệu, sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp thị hiếu khách du lịch. Thông qua đó, tạo thêm cơ hội thoát nghèo cho các chị em trong xã.

Với những thành tích của mình, chị đã vinh dự được nhận Bằng khen của Hội LHPN tỉnh tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước của Hội giai đoạn 2015-2020.

Nếu khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm liên hệ theo địa chỉ: Nhóm Sở thích Sáp ong -Thổ cẩm xã Lao Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, số điện thoại của Trưởng nhóm Tẩn Thị Giả: 0912.433.471.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm