Tết xưa Hà Nội

01/02/2017 - 08:30
Những buổi chiều cuối tháng Chạp ở Hà Nội xưa, nhà ai cũng bận tíu tít mà ấm áp lạ lùng. Đó là những năm phía sau cuộc chiến không còn đạn bom, chỉ mới vài chục năm mà đã trôi vào dĩ vãng.

Khi đó, Hà Nội vẫn còn những mảnh vườn xưa hoang vắng. Làng Vân Hồ quê tôi, nhà bà trưởng Phái, bà ba Được vẫn còn vườn. Cái ao nhỏ mảnh vườn trồng na dai, ổi ta, chanh đào vẫn ra hoa. Cái bếp đầy bồ hóng bấu vào chùm bồ kết và cái đòn gánh bà ba Được vẫn quảy đi bán hoa quả trong vườn. Cái bể nước mưa, và cái gáo dừa úp trên cái chum và cây cau lùn trĩu hoa. Mọi thứ như vẫn còn hơi thở quê Việt, hơi thở vẫn đọng lại thời của đồng bằng Bắc bộ. Mỗi năm, tháng chạp sương khói nhạt nhòa, màu sữa trắng đục của sương và khói bếp như vừa phơi tãi trên trên  không gian. Thời ấy, nhà tôi bao giờ cũng có đầy khói ở bếp. Cuối vườn, bà ba Được vẫn hỏi cháu là khói hay sương chiều cuối bếp mà trời đổ tối nhanh thế, chả mấy mà giao thừa tới nơi.

Đứa cháu bà tên là Kim Định bảo: “Bếp nhà ta đang nấu bánh chưng, nấu từ chiều 29 Tết. Bận rộn rửa lá, bận rộn ngâm đỗ xanh đãi vỏ, thái thịt ngâm tẩm hạt tiêu. Rồi gói bánh cả chiều”. Việc bổ củi giao cho ông ba và bắc bếp góc vườn. Một nồi bánh chưng đã thu hút cả nhà vào những việc chuẩn bị. Cả việc đãi đỗ xanh hạt tiêu để nấu chè kho.

 Mâm cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội

Nếp nhà còn trong mâm cỗ xưa Hà Nội, mâm cỗ là phải có bốn bát, sáu đĩa. Bát măng khô ninh chân giò, bát khoai tây nấu cà ri, bát bóng nấu với nước luộc gà, thịt nạc vai, điểm su hào cà rốt cắt hoa, và cả vài cánh nấm hương. Bát bóng bầy lên có đủ năm màu sắc của ngũ hành, gồm kim mộc thủy hỏa thổ, màu sắc của đất trời.

Còn riêng bát miến, không dâng lên mâm cỗ mà để nấu với lòng gà với tiết thái chỉ, mộc nhĩ cũng thái chỉ cho con cháu ăn theo sở thích. Còn sáu đĩa thì phải có thịt gà, bánh chưng, xôi vò, đĩa nộm và một đĩa xào cần tỏi với thịt bò. Mâm cỗ quan trọng nữa là đĩa dưa hành muối, củ hành khi muối tráng qua nước phèn chua, khi muối lên vàng hươm. Bát muối ớt hạt tiêu lá chanh nữa.

Chiều 30 Tết thật thiêng liêng với gia đình người Việt. Bữa cơm tất niên đầm ấm xum vầy dù con cháu nhà ai ở xa vẫn tìm cách trở về nhà chiều 30 Tết. Vườn nhà càng nhiều khói sương và hơi ẩm của lá mục trong vườn. Cái ao nhỏ đủ để thả bèo, nuôi vài con vịt, con ngan con gà ăn Tết. Cái ao  nhỏ với cây khế chua hôm tết Đoan Ngọ mới chôn con mèo già đã hóa thành cây khế ngọt mà bà ba Được kể đi kể lại như nghe truyện cổ tích. Bữa cơm chiều 30, bà Dĩnh hàng xóm mất chồng sớm, con cháu bà ba Được cũng mời sang xơi cơm cho bà Dĩnh bớt cô quạnh. Bà ba vẫn gọi gà, vẫn hoa chân múa tay “úi xùy xùy”, rồi gọi gà chích chích bập bập, lại đuổi con vện vàng cứ gầm gừ bắt nạt con mèo mướp.

***

Cảnh mua bán ngày Tết ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội xưa

Quê hương ở trong cánh tay ta, là cảnh sân vườn nhòa sương khói, là cảnh buổi sớm đi tàu điện lên chợ Bưởi sắm cây và con giống về nuôi. Chợ phiên là chợ Mơ, chợ Bưởi đủ những mùi lá, mùi hoa và mùi con giống. Chợ  xưa không hề có ánh sáng chói mắt của nhôm kính và sự sáng choang của siêu thị. Chợ phiên nó cứ mờ mờ ảo ảo như câu chuyện cổ tích vốn cũ mà giữ bền chắc trong phận người của thời buổi ấy. Thời buổi mà lọ hoa của bình gốm được nung trong lò than và củi, chứ không phải lò ga. Những cái lọ hoa vuốt tay không giống nhau và họa tiết thì đẹp rất thâm trầm của gốm vẽ tay. Khác xa với thời buổi công nghiệp hóa.

Dù biết thời nào cũng có vẻ đẹp riêng, nhưng ngoảnh lại quá khứ luôn là tài sản được đong đầy buồn vui của mỗi phận người mỗi gia đình, mỗi người trong cuộc. Nếu con người không có ký ức sẽ xiết bao tẻ nhạt, và rỗng rễnh một đời. Bây giờ 30 Tết ở Hà Nội, cô Kim Định con bà ba Được dòng họ của gia đình tôi, bỗng kêu Tết về chỉ ngồi nhớ khói. Khói bếp chẳng là gì cả mà lại nhớ nó với cái màu bồ hóng và chùm bồ kết, bó mùi già vẫn có hương thơm như thế nhưng nấu bếp củi, bếp than hoa nó cứ dâng lên lâng lâng hơn cái thời bếp ga, có vòi nóng lạnh hiện đại.

Lần theo lối mòn tháng năm, con đường mòn đất ẩm trong vườn đã biến mất, nhà tầng mọc lên với thời giá cao ngất ngưởng của đất đai và mỗi tấc đất vườn đã biến thành nhà bê tông hết. Hà Nội đi tìm ao làng bây giờ không có. Ngay cả những cái hồ trong ngõ nghèo Trung Phụng Khâm Thiên cũng biến mất, ao trong làng Kim Liên, làng Thể Giao cũng không còn dấu vết từ lâu. Những ngôi chùa cổ trùng tu không còn vẻ rêu phong hoang hoải.

Cái mới đang chồng lên cái cũ. Nhưng ám ảnh thì mãi còn trong trí nhớ, trong tấm ảnh lụa đen trắng ố vàng thời gian mà không tiền bạc đánh đổi. Ấy vậy gọi là tình yêu năm tháng không bao giờ phai. Và con người vẫn luôn cần những chiều 30 Tết, như để quây quần bên nhau nhắc nhớ đấy mà là truyền miệng những kinh nghiệm để đời của ông bà, cha mẹ, để dạy con cháu qua nhiều năm tháng cũng là một cách hữu tình lưu giữ ký ức cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm