Thách thức từ nguồn nhân lực “thấp còi”

04/11/2016 - 08:26
Năng suất lao động thấp, thể lực, trí lực đứng ở mức thấp trong khu vực... đó là hiện thực về nguồn nhân lực khiến việc tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đang đứng trước thách thức lớn.
bieu-do-chieu-cao-trong-asean.jpg
 Biểu đồ trung bình chiều cao lao động các nước trong ASEAN

Thảo luận kết quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, chiều 3/11, đại biểu Trần Thị Hằng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, nêu vấn đề rất đáng lo là chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. “Năng suất lao động của nước ta thấp hơn Singgapore tới 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần”.

Về thể lực của người lao động, đại biểu Hằng cho biết chiều cao trung bình của người Việt thấp nhất trong ASEAN. Nam giới có chiều cao trung bình 1,62m, thấp hơn trung bình thế giới tới 15cm; thấp hơn 2cm so với chiều cao trung bình của nam giới các nước trong Đông Nam Á.

Đặc biệt, chiều cao trung bình của nữ giới nước ta chỉ đạt 1,53m, thấp hơn trung bình thế giới 10,7cm.

Đáng lo lắng hơn nữa, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nước ta thuộc mức cao trên thế giới. Trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân lên tới 14,1%; suy dinh dưỡng thể thấp còi tới hơn 24%.

dai-bieu-tran-thi-hang-bac-ninh.jpg
 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hằng

Theo đại biểu Hằng, để có nguồn nhân lực chất lượng tốt, rất cần thiết cải thiện chiều cao, trí tuệ của người Việt. Cạnh việc đổi mới giáo dục đào tạo, đại biểu này cho rằng “cần phải hành động ngay” để cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt thông qua cải thiện chế độ dinh dưỡng của trẻ em ngay từ bậc mẫu giáo, thông qua chương trình sữa học đường.

Đại biểu này hi vọng đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước sẽ thoát khỏi danh sách các nước thấp còi.

Chung lo lắng về năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm tái cơ cấu nguồn nhân lực, bởi yếu tố lao động, năng suất lao động có tính chất quyết định thành công trong tái cơ cấu nền kinh tế đất nước.

Thực tế hiện nay, nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức, được phản ánh qua năng suất lao động. Theo đại biểu Lợi, chi phí nhân công hiện nay ở mức cao so với khu vực và sử dụng quá nhiều lao động phổ thông. Chi phí lao động trong giá thành sản phẩm chiếm tới hơn 18%; trong khi các nước khu vực chỉ có 16%... Đồng thời, một thách thức rất lớn là nguồn nhân lực nước ta bị đánh giá năng suất thấp, bởi lý do “lao động làm công ăn lương chỉ chiếm 43%. Trong đó, lao động ở khu vực phi chính thức chiếm cao, tới 70%”.

sua-hoc-duong.jpg
 Chương trình Sữa học đường giúp cải thiện thể lực, trí lực người lao động trong tương lai (ảnh A Lộc)

Cạnh đó, theo đại biểu Lợi, quy mô đào tạo rất lớn, nhưng đang tồn tại thức tế “các trường đào tạo những cái mình có, chưa đào tạo cái thị trường cần”. Cả nước có 450 trường đại học, cao đẳng; gần 2000 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, nhưng lại thiếu “thiếu sự cân đối đào tạo với sử dụng lao động”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm