Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng

N.A
07/06/2021 - 14:48
Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng

Người dân Thái Lan xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Trung tâm mua sắm Siam Paragon, Bangkok. Ảnh: Reuters

Ngày 7/6, Thái Lan bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 với quy mô rộng lớn khắp toàn quốc.

Mục tiêu của chính phủ Thái Lan là sẽ tiêm chủng cho 70% dân số nước này vào cuối năm 2021. Trong giai đoạn đầu, chính phủ Thái Lan sẽ cung cấp số lượng vaccine cho thủ đô Bangkok nhiều hơn các tỉnh khác do dân số ở đây đông đúc và tình trạng lây lan Covid-19 vẫn khá cao. Nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng trước sẽ là người cao tuổi và những người mắc bệnh lý nền.

Trước đó, vào ngày 4/6, đã có thêm 1,8 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất trong nước đã được chuyển giao cho Bộ Y tế Thái Lan và được phân phối đến bệnh viện các tỉnh trong ngày hôm sau. Chiến dịch tiêm chủng của Thái Lan phụ thuộc vào 61 triệu liều vaccine AstraZeneca do một tập đoàn trong nước sản xuất. Tập đoàn này có tham vọng sẽ cung ứng vaccine cho các nước Đông Nam Á.

Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng - Ảnh 1.

Một cụ bà Thái Lan được ưu tiên tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca. Ảnh: Reuters

Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và là 1 trong 14 nước trên thế giới đã sản xuất được vaccine AstraZeneca. Song song với đó, Thái Lan cũng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Sinovac để đảm bảo đủ vaccine trong vòng 7 ngày đầu của chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn này.

Cho đến nay, chính quyền Thủ đô Bangkok đã thành lập 25 trung tâm tiêm chủng và kêu gọi người dân đăng ký tiêm chủng trực tuyến qua các ứng dụng như Mor Prom, Thai Ruam Jai… Dự kiến, sẽ có tới 70.000 người được tiêm chủng mỗi ngày, sau đó số lượng sẽ giảm dần xuống còn 38.000 - 50.000 người mỗi ngày. Tiến độ sẽ phụ thuộc vào số lượng vaccine nhận được từ Bộ Y tế Thái Lan.

Trong thời gian qua, chính phủ Thái Lan đã phải chịu rất nhiều chỉ trích từ phe đối lập do sự chậm trễ trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng và thụ động chờ vào nguồn vaccine sản xuất trong nước, thay vì tiến hành đàm phán và mua từ các hãng dược trên thế giới. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn rất phức tạp tại đất nước Chùa vàng. Hằng ngày, Thái Lan vẫn ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới và hàng chục trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc lên hơn 180.000 ca và 1.269 trường hợp tử vong.

Các ngành công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là du lịch ở Thái Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Các đơn vị này hy vọng vaccine sẽ giúp họ sớm thoát khỏi tình trạng "thoi thóp" vì dịch bệnh. Càng chậm đạt miễn dịch cộng đồng (trên 70% dân số được tiêm vaccine), các doanh nghiệp như khách sạn và nhà hàng càng phải gánh chịu nhiều tổn thất về kinh tế. Khu du lịch Phuket ở phía Nam của Thái Lan hy vọng sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trước thời hạn và đã lên kế hoạch đón khách từ ngày 1/7. Theo kế hoạch, khách nước ngoài đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 được miễn cách ly nhưng phải ở lại đảo Phuket ít nhất 14 ngày trước khi được đi du lịch đến các địa điểm khác ở Thái Lan.

Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng - Ảnh 2.

Người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca trong chiến dịch tiêm chủng rộng lớn tại một phòng tập thể dục bên trong trường Đại học Thammasat ở Pathum Thani, Bangkok. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, do trước đây đa số du khách chỉ ở lại đảo Phuket từ 3-5 ngày, quy định này quá khác biệt so với thực tế vì 14 ngày là thời gian lưu trú khá dài. Thị trường lớn nhất của du lịch Thái Lan là Trung Quốc nhưng hiện quốc gia này vẫn chưa cho người dân đi du lịch nên Thái Lan có kế hoạch nhắm đến các thị trường tiềm năng khác như: Hàn Quốc, Singapore, Australia...

Nguồn: Theo Reuters, AP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm