pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thái Nguyên: Triển khai công tác phòng chống dịch sau thiên tai
Lực lượng y tế tiến hành phun hóa chất khử khuẩn môi trường tại khu vực chợ Thái. Ảnh: Việt Bắc.
Theo đó, để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng mưa, lũ xử lý môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh sau bão số 3, Sở Y tế Thái Nguyên đã tổ chức họp mở rộng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh sau cơn bão.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật xây dựng các phương án cụ thể trong công tác phòng chống dịch bệnh, các phòng chuyên môn của Sở phối hợp triển khai thực hiện.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiếp nhận từ Unicef Việt Nam 800 hộp (tương đương với 80 nghìn viên) Aquatabs tablet 67mg (viên khử khuẩn Aquatabs 67), trị giá khoảng 26 triệu đồng.
Đây là loại viên sủi, làm sạch nước, có thể uống được mà không cần đun sôi; có tác dụng diệt vi sinh vật trong nước, giúp phòng tránh bệnh tả, thương hàn, kiết lỵ, viêm gan A và những bệnh do nước nhiễm khuẩn gây ra. Mỗi viên có khả năng xử lý cho 20 lít nước.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sau đó đã phân bổ cho các địa phương để kịp thời giúp các đơn vị, tổ chức, người dân vùng bị ngập có điều kiện xử lý nguồn nước dùng tạm trong sinh hoạt.
Ngày 12/9, các đội phun hóa chất khử khuẩn môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão lụt của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế TP Thái Nguyên đã ra quân phun khử khuẩn tại nhiều khu vực ở trung tâm TP Thái Nguyên và một số đơn vị, trường học.
16 máy phun hoạt động liên tục để khử khuẩn môi trường tại các vùng ngập úng sau khi nước rút như: Quảng trường Võ Nguyên Giáp; chợ Thái, chợ đầu mối Túc Duyên; các trường học bị ngập; các trục đường như Phùng Chí Kiên, Túc Duyên; các cơ sở y tế…
Hiện nay, Trung tâm Y tế TP Thái Nguyên đã được một công ty hỗ trợ 200kg hóa chất Cloramin B, đồng thời được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp thêm 75kg hóa chất này.
Dự kiến, trong ngày 13/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ được nhận hỗ trợ từ một doanh nghiệp ở tỉnh Phú Thọ 500kg và 3 ngày tới sẽ được Bộ Y tế cấp 1 tấn Cloramin B. Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực mua Cloramin B phục vụ công tác khử khuẩn trên địa bàn và phát cho người dân.
TP Thái Nguyên là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lụt lần này khi có 133 xóm, tổ dân phố bị ngập; 51 xóm, tổ dân phố bị cô lập, thuộc 23 xã, phường. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố có khoảng 4.600 hộ bị ngập nhà cửa; gần 1.800 hộ dân bị cô lập.
Từ sáng ngày 11/9, nước lũ bắt đầu rút nhanh. Đến ngày 12/9, nhiều người dân sinh sống tại các địa điểm ngập lụt đã trở về nhà dọn dẹp nhà cửa sau lũ. Lũ rút để lại rất nhiều bùn non và trong 3 ngày ngập nước, nhiều vật dụng của người dân đã bị hư hỏng và phủ bùn.
Theo số liệu rà soát, tổng hợp báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thiệt hại sơ bộ về tài sản đến 7h ngày 12/9/2024 trên toàn tỉnh Thái Nguyên ước tính là 608,166 tỷ đồng, mưa lũ cũng khiến 2 người tử vong
Bên cạnh đó, mưa lũ đã làm 25.821 hộ phải di dời khẩn cấp, 61 điểm trường bị ảnh hưởng, làm hư hại 9.978 ha lúa và hoa màu; làm chết 292.696 con gia súc, gia cầm; ngập 795 ha nuôi cá.
Mưa lũ trong và sau bão đã làm gãy đổ 7 cột treo cáp, đứt 3.300m dây, hư hỏng 4 trạm biến áp, đổ 113 cột điện. Nghiêm trọng hơn, bão lũ đã khiến 138 điểm sạt lở về giao thông, gây chia cắt, mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông.