Thầm lặng nữ chiến sỹ công an khoác trên mình áo blouse trắng

Hải Linh (thực hiện)
08/03/2022 - 20:42
Thầm lặng nữ chiến sỹ công an khoác trên mình áo blouse trắng

Nữ bác sỹ ở bệnh viện 30-4 tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho đồng đội. Ảnh: PNBV

Tham gia buổi gặp mặt nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 do Ban thường vụ Hội Phụ nữ Bộ Công an tổ chức, thượng tá Đặng Thuỳ Dương, Phó Trưởng phòng Chính trị, Bệnh viện 30-4, khiến ai cũng nghẹn ngào khi nghe chị chia sẻ về những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sỹ công an khoác trên mình áo blouse trắng.

Phong trào "Ba sẵn sàng" trong mọi tình huống

Hội Phụ nữ Bệnh viện 30-4 có 416 cán bộ, chiến sỹ nữ, chiếm 2/3 tổng quân số của Bệnh viện.

Với vai trò là lực lượng y tế công an nhân dân, thời gian qua, các chị đã thực hiện nhiệm vụ kép, đó là vừa khám chữa bệnh cho đồng chí, đồng đội, nhân dân khu vực, vừa tham gia phòng chống dịch Covid-19. Dù ở mặt trận nào, các chị cũng mang tâm thế của người chiến sỹ Công an, người thầy thuốc mang quân hàm với trái tim ấm áp.

Thầm lặng nữ chiến sỹ công an khoác trên mình áo blu trắng - Ảnh 1.

100% hội viên, phụ nữ Bệnh viện đã tham gia thực hiện nhiệm vụ trên mọi "mặt trận" (Ảnh: PNBV)

Nhớ lại thời điểm dịch Covid -19 ở TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp nhất, cùng với nhân dân cả nước, Hội Phụ nữ Bệnh viện 30-4 đã chủ động đề ra các giải pháp khẩn cấp, quyết liệt vào cuộc cùng với Thành phố kiểm soát tình hình dịch bệnh. Phong trào "Ba sẵn sàng" (Sẵn sàng chủ động bố trí, sắp xếp công việc gia đình; Chuẩn bị sẵn sàng tư trang cá nhân; Sẵn sàng nhận nhiệm vụ đột xuất khi được phân công) được đưa ra để chị em chủ động lên đường thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào.

Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch, 100% hội viên phụ nữ Bệnh viện đã tham gia thực hiện nhiệm vụ trên mọi "mặt trận", từ việc trực tiếp vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19, tham gia tăng cường, hỗ trợ lấy mẫu và tiêm chủng cho lực lượng công an và cộng đồng trên địa bàn… góp phần sàng lọc các ca nhiễm và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine tạo miễn dịch cộng đồng đến việc đảm bảo chính sách, hậu cần cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.

Thầm lặng nữ chiến sỹ công an khoác trên mình áo blu trắng - Ảnh 2.

Các chị em gửi lại con nhỏ, xung phong vào trận tuyến không tiếng súng ngay từ những ngày đầu cam go nhất (Ảnh: PNBV)

Đặc biệt, chị em chiến đấu với Covid-19 cho các can phạm nhân tại khu điều trị cách ly tập trung T30 tại Củ Chi. Bệnh viện đã kịp thời cử 75 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có 36 chị phải gửi mẹ già, con thơ để lên đường thực hiện nhiệm vụ và hơn nửa năm không được về nhà.

Việc chăm sóc bệnh nhân là can, phạm nhân khó khăn bội phần, bởi bệnh nhân là đối tượng manh động, hung hãn, đôi khi có những phản ứng khó lường, có thể gây nguy hiểm cho đội ngũ y, bác sỹ. Nhưng bằng cả tấm lòng của người thầy thuốc, bằng sự dũng cảm của người chiến sỹ công an, các chị dù là y, bác sỹ, kỹ thuật viên hay cấp dưỡng đều tận tình chăm sóc, tận tâm cứu chữa, điều trị cho 4.600 bệnh nhân là can, phạm nhân ở thời điểm mà TP Hồ Chí Minh đang ở đỉnh dịch bệnh.

Phát hiện ra biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh

Tại Bệnh viện 30-4 và Bệnh viện dã chiến Phước Lộc, các chị em cũng ở lại Bệnh viện nhiều tháng để cùng đồng đội điều trị cho 3.450 bệnh nhân dương tính với Covid-19 là cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong khu vực. Lúc này, hội viên phụ nữ của Bệnh viện cũng có 158 chị bị nhiễm covid-19.

Bệnh viện đã triển khai đưa vào hoạt động phòng Xét nghiệm sinh học phân tử (trong đó có kỹ thuật xét nghiệm PCR) chẩn đoán, sàng lọc bệnh nhân nhiễm Covid-19 một cách nhanh chóng để cách ly, điều trị kịp thời. Đây là kỹ thuật mới, đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật viên phải thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình, đảm bảo kết quả chính xác, an toàn.

Thầm lặng nữ chiến sỹ công an khoác trên mình áo blu trắng - Ảnh 3.

Thượng tá Đặng Thuỳ Dương, Trưởng phòng Chính trị Bệnh viện 30-4, Uỷ viên BCH Hội phụ nữ Bộ Công an, tiếp nhận trang thiết bị y tế cho Bệnh viện phòng chống dịch (Ảnh: PNBV)

Với tinh thần quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, dù là nữ lãnh đạo hay cử nhân xét nghiệm, kỹ thuật viên, các chị đều không ngại khó khăn, sẵn sàng làm việc ngày đêm để kịp thời trả kết quả cho các đơn vị, cá nhân. Đặc biệt, trong tháng 2/2022, phòng Sinh học phân tử đã phát hiện ra biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh, giúp các lực lượng chức năng khoanh vùng, dập dịch kịp thời.

"Các con cố gắng lên, hết dịch mẹ sẽ về"

Vào thời điểm căng thẳng nhất của đợt dịch, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", trước những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua, nhiều chị có bố mẹ già và các con đều bị dương tính với Covid-19. Trong khi đó, chồng các chị cũng phải tăng cường trực chiến, con cái phải gửi về quê hoặc gửi người quen, nhưng các chị vẫn quyết tâm xung phong vào các "điểm nóng" thực hiện tốt nhiệm vụ.

"Chúng tôi nghĩ, mình phải là người vững vàng nhất để cùng đồng hành, chung tay sẻ chia, giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những gia đình đang có người thân bị nhiễm covid-19 mà không thể về nhà chăm sóc người thân, cha mẹ già và con nhỏ", Thượng tá Đặng Thuỳ Dương bộc bạch.

Chị Dương nhớ lại: Trong số những hội viên phụ nữ ở Bệnh vệnh có chị là mẹ đơn thân phải gửi 2 con nhỏ cho bố mẹ chăm sóc. Ở nhà cả cha mẹ và 2 cháu đều bị nhiễm covid-19. Khi nghe con đang ốm bệnh điện thoại hỏi khi nào mẹ về? Người mẹ ấy lặng đi vài phút, mới nói với con: "Các con cố gắng lên, hết dịch mẹ sẽ về".

Thầm lặng nữ chiến sỹ công an khoác trên mình áo blu trắng - Ảnh 4.

Nhiều chị khỏi bệnh lại xung phong ở lại Bệnh viện tiếp tục khám chữa bệnh cho đồng đội và nhân dân (Ảnh: PNBV)

Có hội viên có chồng công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh cũng là lực lượng tuyến đầu, chị phải gửi con về quê nhờ bố mẹ trông giúp. Lúc đỉnh dịch thì cả ông bà và 2 con cũng đều nhiễm Covid-19. Ngay cả bản thân chị ấy cũng dương tính với Covid-19. Nhưng khi Hội phụ nữ Bệnh viện thăm hỏi, chị chỉ bảo: "Em mong nhanh khoẻ lại để tiếp tục làm việc, nằm viện thế này em thấy áy náy lắm".

Ở Bệnh viện 30-4, nhiều hội viên phụ nữ khi điều trị khỏi bệnh đều không nghỉ về thăm nhà, thăm các con, mà xin ở lại Bệnh viện thực hiện nhiệm vụ ở tuyến đầu.

Quãng thời gian dịch bệnh khốc liệt càng cho thấy tập thể Hội phụ nữ Bệnh viện 30-4 thêm gắn bó tình đoàn kết quân dân. Chị em một lòng làm việc không kể ngày đêm, không ngại khó khăn, gian khổ. Dẫu ai cũng thương cha mẹ già, thương các con đau bệnh rất cần bàn tay người mẹ vỗ về, chăm sóc, nhưng các chị em đã gác lại tình cảm gia đình, gạt đi những giọt nước mắt nhớ thương con, sẵn sàng vào mặt trận không tiếng súng để giành lại sự sống cho người bệnh.

"Chúng tôi đã có nhiều lúc tâm trạng và cảm xúc đến tột cùng. Có lúc nghẹn ngào, lo lắng thắt tim cho an nguy của gia đình, cho đồng đội, cho nhân dân. Nhưng cũng có những niềm vui, hạnh phúc vỡ oà khi bệnh nhân được cứu sống, sau một thời gian chống lại dịch bệnh covid -19 ở giai đoạn nguy hiểm nhất", Thượng tá Đặng Thuỳ Dương xúc động nhớ lại.

"Dịch bệnh lúc này vẫn còn dai dẳng, nhiều bệnh mới lại phát sinh, trước thềm Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, hội viên phụ nữ bệnh viện 30-4 chúng tôi sẽ quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vì sự tiến bộ của phụ nữ, xứng đáng là nữ chiến sỹ công an tận tuỵ vì dân trên mọi "mặt trận" khó khăn nhất của cuộc sống", chị Đặng Thùy Dương nở nụ cười tươi nhẹ nhàng, nhưng trên gương mặt của chị ánh lên sự quyết tâm, kiên định vốn có của người nữ chiến sỹ công an.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm