pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tham vấn dự thảo Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế
Ngày 14/9, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị quyết Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030. Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Văn phòng TW Đảng, Ban Đối ngoại TW, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và nhiều bộ ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch...
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương nhấn mạnh, công tác đối ngoại nhân dân và hội nhập quốc tế được Hội LHPN Việt Nam quan tâm đưa vào văn kiện từ nhiều nhiệm kỳ nay. Hội tăng cường và cải tiến công tác chỉ đạo trong hệ thống Hội dựa trên yêu cầu của phong trào phụ nữ và định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Hoạt động đối ngoại của các cấp Hội được quan tâm và có nhiều khởi sắc, qua đó nhận thức của các cấp Hội được nâng lên rõ rệt, hoạt động hiệu quả, sáng tạo, có nhiều sáng kiến từ thực tiễn cơ sở.
Hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội được triển khai theo hướng ngày một chủ động, linh hoạt, tích cực, mang lại những kết quả thiết thực, sâu rộng. Ý thức được trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và với phụ nữ, Hội mong muốn có đóng góp nhiều hơn không chỉ cho tổ chức Hội, cán bộ, hội viên mà còn hướng đến phụ nữ nói chung.
Là một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho các tầng lớp phụ nữ trong cả nước, Hội LHPN Việt Nam xác định trách nhiệm phải hỗ trợ phụ nữ Việt Nam hội nhập chủ động và hiệu quả hơn nữa. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, mục tiêu phát triển bao trùm, trong đó có vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới ngày càng được quan tâm đề cao, Hội mong muốn ban hành Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện trách nhiệm của Hội đối với hội viên và phụ nữ nói chung. Vì vậy, Hội đã xây dựng dự thảo Nghị quyết Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế và lấy ý kiến nhiều vòng thông qua gửi xin ý kiến bằng văn bản, tham vấn chuyên gia, các bộ ngành liên quan, một số địa phương...
Về nội dung dự thảo, giai đoạn thực hiện dự kiến đến 2030 với mục tiêu hướng đến tổ chức Hội và phụ nữ. Các nhóm mục tiêu và giải pháp được chia thành nhóm chung và riêng theo từng lĩnh vực cụ thể.
Phó Chủ tịch Hội bày tỏ mong muốn rằng, đại diện các bộ, ngành quan tâm góp ý, bổ sung, làm rõ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến các lĩnh vực đề cập trong dự thảo.
Các đại biểu đều đồng tình, khẳng định việc ban hành Nghị quyết chuyên đề của BCH TW Hội về công tác hỗ trợ phụ nữ hội nhập là cần thiết, đúng thời điểm, đáp ứng chiến lược hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương vào phát huy vai trò của phụ nữ trong quá trình hội nhập.
Theo các đại biểu, cần làm rõ thêm vai trò của Hội, của phụ nữ trong tham gia hội nhập thời gian qua; những khó khăn thách thức đặt ra; xu thế của thế giới, khu vực với các yêu cầu mới để phụ nữ có thể tham gia tích cực, chủ động hơn. Đồng thời cần có những quy định rõ về vai trò, trách nhiệm tham gia của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự phối hợp chặt chẽ của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ vào thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, cần bổ sung mục tiêu nâng cao năng lực cho phụ nữ tham gia vào hội nhập trên cả 3 trụ cột Kinh tế- Văn hóa- Quốc phòng- An ninh của ASEAN gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về nâng cao năng lực, kỹ năng cho phụ nữ.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết cần lựa chọn để xác định các nhiệm vụ chính với lộ trình thực hiện phù hợp gắn với nhiệm vụ của tổ chức Hội, đáp ứng được nhu cầu của phụ nữ. Mặt khác, cần có giải pháp bảo đảm đưa việc thực hiện Nghị quyết vào chương trình hành động hàng năm, chú trọng xây dựng mô hình, biểu dương điển hình.
Thay mặt Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp tại hội thảo được Hội tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Qua đó, Nghị quyết sớm có thể ban hành và đi vào thực tiễn một cách thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, nhiệm vụ nâng cao năng lực, kỹ năng cho phụ nữ trong Nghị quyết vô cùng quan trọng, tập trung vào việc nâng cao, đổi mới tư duy, thích ứng năng động, sáng tạo, kỹ năng hội nhập. tư duy toàn cầu. Ngoài ra, cần thu hẹp khoảng cách giới, tăng cường kỹ năng tiếp cận với công nghệ số, kinh tế số, thương mại điện tử trong quá trình hội nhập, đặc biệt là đối với phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hội cũng cần có giải pháp cụ thể hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; xác định những đối tượng ưu tiên như nữ trí thức, nữ doanh nhân, sinh viên...