Tháng hành động vì trẻ em 2020: Bảo vệ trẻ em phải ngay từ hôm nay

N.Minh
01/06/2020 - 08:00
Tháng hành động vì trẻ em 2020: Bảo vệ trẻ em phải ngay từ hôm nay
Chia sẻ về Tháng hành động vì trẻ em 2020, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em - Bộ LĐTB&XH, cho biết: Đây là tháng tập trung cao trào các hoạt động để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trẻ em là hôm nay. Chúng ta phải làm cho trẻ em từ hôm nay chứ không đợi đến ngày mai.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 có chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em". Theo đó, nhiều thông điệp, khẩu hiệu truyền thông được đưa ra: "Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động"; "Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng"; "Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau"; "Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em"; "An toàn cho con, hạnh phúc cho cha mẹ"; "Hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em"…

Tháng hành động vì trẻ em 2020: Bảo vệ trẻ em phải từ ngày hôm nay - Ảnh 1.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 có chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em"

Hiện nay, cùng với sự phát triển của du lịch, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có cả những đối tượng đã có án tích về xâm hại trẻ em nhưng biện pháp quản lý, giám sát các đối tượng này chưa chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em trong các hoạt động du lịch, đặc biệt là xâm hại tình dục. 

Chia sẻ về vấn đề này, theo Bs Nguyễn Trọng An, quy định của Chính phủ khi xảy ra vụ xâm hại trẻ em thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm về nhập cảnh, du lịch, cấp phép cho người nước ngoài được dạy học, phải biết họ là ai, là người thế nào, CV ra sao… Đã có nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nhưng xâm hại trẻ em nam không được quan tâm nhiều như xâm hại trẻ em nữ. Nhiều người nghĩ rằng, trẻ em nam thì "không mất gì". Thực tế, hậu quả với các em rất lớn, đó là sự sang chấn khủng khiếp, có em điên, tâm thần, bỏ nhà đi, thậm chí giết người…

Theo Bs Nguyễn Trọng An, bảo vệ trẻ em cần ưu tiên cấp độ phòng ngừa nhưng hầu hết các vụ xảy ra đều đã xảy ra rồi, đều phát hiện muộn. "Chúng ta thiếu mạng lưới phát hiện sớm, ngăn ngừa sớm. Chúng ta có luật nhưng không thực hiện tốt về luật, tuyên truyền nhưng không thực hiện tốt tuyên truyền. Đội ngũ cán bộ công tác xã hội ở địa phương, ở cộng đồng rất quan trọng. Họ ở địa phương nên họ biết cụ thể từng hoàn cảnh, gia đình nào có bố bị nghiện rượu, có cha mẹ chuẩn bị ly hôn, gia đình nào có con sắp bỏ học, gia đình nào để con ở nhà với bố dượng… Họ sẽ tư vấn, phòng ngừa trước để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Tháng hành động vì trẻ em 2020: Bảo vệ trẻ em phải từ ngày hôm nay - Ảnh 2.

Theo BS Nguyễn Trọng An, nguyên nhân chính của những vụ xâm hại trẻ em là việc coi nhẹ giáo dục gia đình

Ngoài công tác phòng ngừa, hệ thống tư pháp vị thành niên phải thân thiết với trẻ em. Cụ thể, việc thu thập thông tin, điều tra, xét hỏi, ra tòa… phải thân thiện với trẻ em. Thực tế,  công an đi điều tra về những vụ xâm hại trẻ em không có nghiệp vụ về trẻ em. Tòa án xử các vụ về trẻ em nhưng không có trình độ, kiến thức về trẻ em. Theo nguyên tắc, những vụ xét xử về trẻ em phải đúng theo Công ước quốc tế.

Bs Nguyễn Trọng An cho rằng, nguyên nhân chính của những vụ xâm hại trẻ em là việc coi nhẹ giáo dục gia đình. Bố mẹ không có kiến thức bảo vệ trẻ em, không biết quy tắc 5 ngón tay. Bố mẹ không biết ai được phép động chạm vào người con. Thế nên mới xảy ra chuyện trẻ bị xâm hại bởi người thân. "Các bố mẹ suốt ngày "đầu tắt mặt tối" đi kiếm sống. Họ không có thời gian để ý đến con. Thực tế, giáo dục gia đình rất quan trọng. Muốn thế, phải có đội ngũ để giáo dục gia đình. Cụ thể, phải có mạng lưới công tác xã hội. Những người này sẽ đến từng nhà để trao đổi các kiến thức xã hội cho bố mẹ. Ông bố, bà mẹ khi nhận được kiến thức đó sẽ phòng ngừa được người thân, người ngoài trong việc xâm hại trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em 2020: Bảo vệ trẻ em phải từ ngày hôm nay - Ảnh 3.

Chúng ta phải làm cho trẻ em từ hôm nay chứ không đợi đến ngày mai.

Không chỉ giáo dục gia đình bị coi nhẹ mà thầy, cô giáo cũng không có nhiều kiến thức về bảo vệ trẻ em, không giáo dục giới tính cho trẻ em nên các em không có kỹ năng bảo vệ mình.

Các bố mẹ không có kỹ năng bảo vệ con, các thầy cô giáo không có kỹ năng bảo vệ học sinh, thế nên xảy ra nhiều vụ dâm ô, xâm hại trẻ em. Khi xảy ra chuyện, trẻ em cũng không biết đấy là xâm hại tình dục. Theo Bs Nguyễn Trọng An, đây là những khó khăn, bất cập cần phải giải quyết để bảo vệ trẻ em. "Tháng 6 là tháng tập trung cao trào các hoạt động để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chúng ta vẫn có khẩu hiệu: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Trẻ em là hôm nay. Chúng ta phải làm cho trẻ em từ hôm nay chứ không đợi đến ngày mai. "My name is today!". Tất cả những hành động bảo vệ trẻ em phải làm ngay hôm nay, từ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, các phúc lợi xã hội phải làm từ hôm nay chứ không phải đợi đến ngày mai".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm