Thanh Hóa: Hiệu quả từ các mô hình xóa bỏ định kiến giới

PV
30/08/2024 - 15:29
Thanh Hóa: Hiệu quả từ các mô hình xóa bỏ định kiến giới

Hàng trăm cuốn sổ tay mô hình Tổ truyền thông cộng đồng và cuốn sổ tay mô hình Địa chỉ tin cậy được Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cấp phát về các cơ sở làm tài liệu tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới

Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, sâu rộng, có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động giúp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn thực hiện dự án được nâng cao nhận thức, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm.

Thành lập nhiều mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Cụ thể hóa các nội dung quan trọng của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã thành lập nhiều mô hình như "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng", "Tổ truyền thông cộng đồng"... nhằm hỗ trợ chăm sóc, tư vấn, cách ly cho nạn nhân bị bạo lực gia đình; tuyên truyền, vận động thúc đẩy bình đẳng giới.

Theo bà Vi Thị Trọng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quan Sơn - cho biết: Thành viên các mô hình là đại diện lãnh đạo UBND xã, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, chi hội trưởng phụ nữ, trưởng ban công tác mặt trận, các đoàn thể ở địa phương, người có uy tín trong cộng đồng. Các thành viên trong tổ sẽ là người tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.

Thanh Hóa: Hiệu quả từ các mô hình xóa bỏ định kiến giới- Ảnh 1.

Tổ truyền thông cộng đồng vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cũng phối hợp với các ban ngành liên quan, đưa ra nhiều biện pháp truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật tại địa phương giúp người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng nhận thức được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Hội LHPN tỉnh cũng đã chỉ đạo Hội LHPN các cấp thành lập, phát huy vai trò của mô hình địa chỉ tin cậy, tổ truyền thông cộng đồng; huy động sự tham gia của nam giới trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em. 

Đồng thời, tập trung hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số trong các tổ liên kết tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, nâng cao tiếng nói của mình trong gia đình và xã hội… Từ đó góp phần từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em.

Tích cực đối thoại chính sách

Xác định tuyên truyền là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng thực hiện dự án, hàng năm, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đều hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Đối thoại cấp xã giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với hội viên, phụ nữ trên địa bàn; tổ chức diễn đàn "Hãy nghe trẻ em nói" và truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; giao lưu sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới; phát động cuộc thi "Lắng nghe trẻ em nói" cấp tỉnh. 

"Qua hơn 2 năm thực hiện dự án, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức được gần 1.500 cuộc truyền thông và gần 200 hội nghị đối thoại chính sách. Hội cũng cấp phát cuốn sổ tay hướng dẫn đối thoại chính sách và nhiều tài liệu khác. Đến nay đã có hơn 3.700 trẻ em dân tộc thiểu số được tập huấn, tiếp cận thông tin; hơn 200 cán bộ nữ dân tộc thiểu số được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng; gần 900 cán bộ tham gia hoạt động tập huấn về lồng ghép giới. 

Thanh Hóa: Hiệu quả từ các mô hình xóa bỏ định kiến giới- Ảnh 2.

Các hội nghị đối thoại chính sách được tổ chức thường xuyên từ cấp cơ sở

Các hoạt động tuyên truyền được chúng tôi chỉ đạo Hội Phụ nữ ở cơ sở tổ chức thường xuyên, sâu rộng, có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động giúp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn thực hiện dự án được nâng cao nhận thức, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm" - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa Ngô Thị Hồng Hảo cho hay

Với những nỗ lực của các cấp Hội và các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh, Dự án 8 bước đầu cho thấy kết quả đáng mừng sau hơn 2 năm triển khai hoạt động. Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, so sánh cùng kỳ năm 2022, số vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em tại tỉnh này trong năm 2023 giảm 15%. Trong việc ngăn chặn tảo hôn, nếu như năm 2020 có 125 cặp tảo hôn/6.306 cặp kết hôn, chiếm tỷ lệ 1,98% thì đến cuối năm 2023, số cặp tảo hôn là 101 cặp/6.036 cặp kết hôn, tỷ lệ tảo hôn giảm còn 1,67%. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm