Thanh Hóa: Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ thành lập mô hình kinh tế tập thể

Linh An
31/10/2022 - 13:13
Thanh Hóa: Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ thành lập mô hình kinh tế tập thể

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của hội viên phụ nữ tại "Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp" năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức

Trong mục tiêu hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể, thành lập doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết công tác này đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan.

Thanh Hóa: Hỗ trợ khụ nữ thành lập mô hình kinh tế tập thể - Ảnh 1.

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa

Xin bà cho biết, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ phụ nữ thành lập các mô hình kinh tế như thế nào?

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Hội LHPN tỉnh đã tích cực khai thác các nguồn lực thông qua việc nghiên cứu, viết 22 đề xuất đề án, dự án, chương trình, phối hợp với các Sở, ban, ngành để xây dựng mô hình; tăng cường hoạt động phối hợp với các tổ chức quốc tế, dự án phi chính phủ, công ty, nhãn hàng… qua đó Hội đã vận động xã hội hóa với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, giống cây, con giống, kết nối thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan huy động nguồn lực hỗ trợ các ý tưởng đang có sản phẩm, thực hiện hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn an toàn.

Kết quả trong 5 năm, Hội LHPN các cấp chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 86 Hợp tác xã, 100 Tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh là 342 mô hình, tạo việc làm cho trên 3.700 hội viên, phụ nữ với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng tại 27 huyện, thị, thành phố. Trong 5 năm qua các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 699 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nữ được Hội hỗ trợ thành lập là trên 800 doanh nghiệp.

Thông qua các mô hình phát triển kinh tế tập thể, bước đầu đã khắc phục được phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh cao; không những giúp hội viên, phụ nữ tự tin hòa nhập cộng đồng mà còn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập một cách bền vững cho hội viên phụ nữ thông qua việc hỗ trợ tiếp cận và tham gia các loại hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.

Thanh Hóa: Hỗ trợ khụ nữ thành lập mô hình kinh tế tập thể - Ảnh 2.

Lãnh đạo TW Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa và các đối tác quốc tế thăm hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Trung Kiên, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa)

Để có được kết quả như trên, chắc hẳn Hội LHPN  tỉnh đã có những chỉ đạo sát sao và những hướng đi thiết thực hiệu quả?

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội rà soát, lựa chọn đăng ký thành lập mô hình HTX, THT để xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện. Giao chỉ tiêu đăng ký, phấn đấu mỗi huyện thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả ít nhất 1 Hợp tác xã hoặc 5 Tổ hợp tác, Tổ liên kết; tổ chức khảo sát các gia đình hội viên, phụ nữ kinh doanh cá thể tại địa phương; phối hợp với sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn quy trình thành Hợp tác xã; tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp nữ mới thành lập có nhu cầu tiếp cận tín dụng từ các nguồn vốn chủ động từ Hội, Tổ chức tín dụng; kết nối với tổ chức Phi chính phủ, ngân hàng hỗ trợ vốn mua sắm trang thiết bị. Đối với HTX, Hội chú trọng phát hiện những nơi đang có điều kiện để phát triển kinh tế tập thể như: Tổ hợp tác, tổ liên kết đang hoạt động hiệu quả, những địa phương có làng nghề truyền thống, có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt và đang có chủ trương thành lập hợp tác xã để phối hợp với chính quyền địa phương kích cầu, hỗ trợ thành lập hợp tác xã.

Thanh Hóa: Hỗ trợ khụ nữ thành lập mô hình kinh tế tập thể - Ảnh 3.

Lãnh đạo và các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm do hội viên phụ nữ sản xuất tại "Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp" năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức

Đồng thời, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các "diễn đàn hướng nghiệp", hội thảo "chia sẻ cơ hội nghề nghiệp", tổ chức các sự kiện truyền thông tạo sân chơi cho chị em được giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh; nâng cao chất lượng chuyên mục "Phụ nữ khởi nghiệp" trên Trang thông tin điện tử và cuốn thông tin Phụ nữ Thanh Hóa; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, trang mạng xã hội như facebook, zalo, fanpage của Hội; giới thiệu các tấm gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của phụ nữ tại các địa phương trong tỉnh; xây dựng 458 tin, bài, phóng sự đăng tải trên các ấn phẩm báo chí tuyên truyền hoạt động của các cấp Hội trong thực hiện Đề án, mô hình kinh tế tiêu biểu trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, qua đó góp phần động viên, cổ vũ phụ nữ thi đua khởi nghiệp, làm giàu chính đáng.

Có thể nói, vốn vay là mạch máu của nền kinh tế tập thể. Hoạt động hỗ trợ các nguồn vốn vay của Hội thực hiện như thế nào, thưa bà?

Hoạt động khai thác nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ được mở rộng về quy mô và chú trọng về chất lượng, hiệu quả. Hội đã chủ động mở rộng phối hợp tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ TYM, Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo… với tổng nguồn vốn do Hội quản lý là 11.374 tỷ 781 triệu đồng, cho195.767hội viên, phụ nữ vay, phát triển kinh tế.

Phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", "Trao sinh kế bền vững"... được các cấp Hội chú trọng, đã có gần 200.000 lượt hộ nghèo, phụ nữ nghèo được giúp vốn, giống, ngày công.

Ngoài ra chúng tôi còn phối hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ, vận động xã hội hóa với tổng kinh phí 4.800 triệu đồng để hỗ trợ chị em phụ nữ trong tỉnh khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Thanh Hóa: Hỗ trợ khụ nữ thành lập mô hình kinh tế tập thể - Ảnh 4.

Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá trao bằng khen cho các đơn vị tại "Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp" năm 2022

Tiêu thụ sản phẩm luôn là một trong những tiêu chí quyết định thành công của doanh nghiệp, hợp tác xã, Hội đã hỗ trợ gì cho chị em?

Trong những năm qua Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 6 hội thi chung kết "Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp" với sự tham gia của hàng trăm ý tưởng, sản phẩm xuất sắc nhất được lựa chọn từ hàng ngàn sản phẩm, ý tưởng trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp do phụ nữ làm ra tại các địa phương trong tỉnh.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh lựa chọn các ý tưởng, sản phẩm tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, kết quả Hội LHPN tỉnh đã có 5 dự án, ý tưởng xuất sắc được nhận các giải thưởng và được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ. Từ đó, góp phần giúp hội viên, phụ nữ hiện thực hóa các dự án, ý tưởng khởi nghiệp và khát khao, mạnh dạn khởi nghiệp để nâng cao quyền năng kinh tế và khẳng định năng lực, vị thế của bản thân, vượt qua mọi rào cản, định kiến giới.

Để giúp hội viên kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hiệp hội doanh nhân nữ tỉnh tổ chức "Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp" gắn với chủ đề hàng năm. Đã có 241 lượt gian hàng trưng bày, giới thiệu trên 3.500 sản phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống của hội viên, phụ nữ các dân tộc, vùng miền trên địa bàn tỉnh. Qua đó đáp ứng khát vọng khởi nghiệp, mở ra những cơ hội tiếp cận vốn, kiến thức, kinh nghiệm, kết nối cung cầu sản phẩm cho phụ nữ trên địa bàn nói chung và địa bàn tỉnh ngoài nói riêng.

Cùng với đó, Hội đã kết nối tham gia diễn đàn triển lãm giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng và vận hành các gian hàng, quầy giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ sản xuất. Cũng như hỗ trợ phụ nữ giới thiệu các sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và livestream bán hàng trên trang facebook, fanpage cá nhân, đến nay đã có hơn 600 sản phẩm do phụ nữ trong tỉnh làm ra được giới thiệu trên không gian mạng. Đây là hoạt động được các cấp, các ngành tại địa phương đánh giá cao, giúp ổn định đầu ra cho sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các mô hình, tạo được niềm tin cho các HTX, các doanh nghiệp nữ mạnh dạn đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sự kết nối, quảng bá qua công nghệ thông tin, nhiều sản phẩm do phụ nữ sản xuất đã có mặt trên thị trường ngoài tỉnh và nhiều nước trên thế giới. Qua đó, tiếp sức cho phụ nữ vượt qua rào cản, thách thức, đón nhận những cơ hội và lợi ích của cuộc cách mạng 4.0 cũng như sẵn sàng, chủ động vững bước trong cuộc cách mạng này.

Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển mạng lưới các hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ; nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.

Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm