'Thành phố đáng sống' cho trẻ em tăng nhanh trên toàn cầu

06/07/2018 - 11:50
Các thành phố tăng trưởng nhanh trên toàn cầu, do đó, nhiều nơi đang đứng trước áp lực bảo vệ trẻ em khỏi các sức ép của cuộc sống đô thị như tội phạm, giao thông, ô nhiễm, điều kiện sống chật chội và tách biệt xã hội...

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có khoảng 30% trong tổng số 4 tỷ người sống tại các đô thị trên thế giới là trẻ em. Ước tính đến năm 2050, 70% số trẻ em trên thế giới sẽ tập trung tại các đô thị. UNICEF nhấn mạnh, sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em mang ý nghĩa quyết định, hướng tới phát triển những xã hội lành mạnh trong tương lai.

a4.jpg
Tạo môi trường vui chơi cho trẻ

 

Tại nhiều thành phố, các chuyên gia hoạch định đô thị đã bắt đầu tìm kiếm các phương án để không gian thành phố trở thành khu vực sống tốt hơn cho sự phát triển trẻ em: Các dự án do cộng đồng tự quản bằng cách sử dụng sơn và trồng cây để giảm nguy cơ trên các con đường đến trường và sân chơi, kế hoạch tái thiết lại những quy định chính sách cho nhà ở và khu phố cho trẻ em.

 

Thành phố thân thiện với trẻ em - thiên đường của con trẻ

 

Thành phố thân thiện với trẻ em là thành phố mà ở đó tiếng nói, nhu cầu, ưu tiên và quyền trẻ em được lồng ghép vào các chính sách, chương trình và quyết định của thành phố. Trong đó, đặc biệt chú trọng đưa quyền trẻ em vào cấu trúc của thành phố nhằm đảm bảo không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Nhiều thành phố trên thế giới tìm kiếm các phương án để biến các đô thị đông đúc trở thành những không gian phù hợp hơn cho sự phát triển của trẻ em.

a3.jpg
Thành phố thân thiện với trẻ em là thành phố mà ở đó tiếng nói, nhu cầu, ưu tiên và quyền trẻ em được lồng ghép vào các chính sách, chương trình và quyết định của thành phố.

 

Từ một thành phố được cho là ít đáng sống nhất cho trẻ em năm 2016, Rotterdam (Hà Lan) đã đầu tư gần 16 triệu USD để cải thiện không gian công cộng, nhà ở và đường sá giao thông ở những khu dân cư thu nhập thấp với hy vọng mang lại cuộc sống thân thiện hơn cho trẻ em trong thành phố. Rotterdam đã sử dụng một không gian ngoài trời tại khu rừng trong công viên để biến thành khu vui chơi sinh thái gọi là Natuurspeeltuin de Speeldernis, giúp trẻ em có cơ hội trải nghiệm, vui chơi tự do và mới mẻ hơn.

 

Đến đây, các em có thể được tìm hiểu đa dạng sinh học của không gian “hoang dã”, trải nghiệm các hang động, lửa, bè và cắm trại. Hiện nay, nơi đây còn thu hút 35.000 du khách ghé thăm mỗi năm. Khu vui chơi của một số trường học cũng được sử dụng thành quảng trường công cộng và những không gian đảm bảo an toàn với hoạt động trồng cây công cộng và thiết bị thể thao. Trẻ em có thể tự do trải nghiệm cuộc sống trong môi trường rộng lớn.

a2.jpg
Trẻ em có thể tự do trải nghiệm cuộc sống trong môi trường rộng lớn.

 

Chính sách nhà ở thân thiện của Vancouver (Canada) được ban hành vào những năm 90 đã làm tăng tỷ lệ trẻ em sống tại trung tâm thành phố lên gấp 2 lần từ 2001 đến 2011. Theo chỉ đạo trong công văn được ban hành, một phần tư của các thành phố mật độ cao phải được dành để thiết kế môi trường và chất lượng sống cho các gia đình.

 

Những chính sách này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự giao tiếp xã hội cho tất cả lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Cũng từ chỉ đạo này, Vancouver cho xây dựng lại khu River District và sân chơi Creekside Park với các dụng cụ chơi nhạc, tháp leo núi, các ống trượt khổng lồ và trò dây đu trên không cũng như nhiều trải nghiệm nghịch cát và nước rất được ưa thích.

 

Áp dụng mô hình mới

 

Năm 2017, Singapore đã bắt đầu thử nghiệm một mô hình bến xe buýt dành cho trẻ em. Bến xe này được thiết kế như một khu vui chơi nhỏ với xích đu, tranh ảnh, sách thiếu nhi, vườn trên mái nhà cùng một hệ thống điện tử cung cấp sách, bản đồ điện tử cùng nhiều thông tin online hữu ích khác. Chính phủ Singapore dự định mở rộng mô hình này trên toàn quốc.

 

Còn chính quyền thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) đang thúc đẩy sáng kiến trị giá 23,9 triệu USD khởi động từ năm 2015 để biến nơi đây thành một thành phố thân thiện hơn với trẻ em. Thành phố sẽ tạo ra thêm 89 không gian vui chơi mới cũng như nâng cấp 150 địa điểm đang hoạt động nhằm tạo ra thêm những điểm giải trí đa dạng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ khuyết tật. Một số khu vực dân cư ở Barcelona giảm lưu lượng giao thông và tăng những cơ sở hạ tầng như vỉa hè rộng hơn, các không gian vui chơi đa chức năng...

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố việc thực hiện dự án “Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em” 6 triệu USD ở thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2021. Từ nay đến năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh phải xây dựng khung pháp lý thân thiện với trẻ em, xây dựng chiến lược về quyền trẻ em trên toàn thành phố, thành lập Ban chuyên trách về quyền trẻ em, đánh giá tác động đến trẻ em, xây dựng ngân sách dành cho trẻ em, truyền thông vận động về quyền trẻ em...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm